Đột phá giao thông đưa Hà Giang phát triển

10:05, 04/02/2022

Xuân 2022 - Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá quan trọng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh đồng bộ, hiện đại, bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực chính thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh nhanh, bền vững, củng cố vững chắc QP-AN giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030 và đến năm 2045.

Đoàn công tác Bộ GT-VT, lãnh đạo tỉnh Yên Bái và Hà Giang khảo sát địa điểm tuyến đường Hà Giang kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn đi qua xã Đồng Yên (Bắc Quang).
Đoàn công tác Bộ GT-VT, lãnh đạo tỉnh Yên Bái và Hà Giang khảo sát địa điểm tuyến đường Hà Giang kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn đi qua xã Đồng Yên (Bắc Quang).

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu: “…Xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; đến năm 2030 là tỉnh khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh trung bình khá của cả nước”. Với điều kiện, đặc thù một tỉnh biên giới, miền núi khó khăn, địa đầu Tổ quốc, cách Thủ đô Hà Nội 300km, cách các tỉnh lân cận như: Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn khoảng 150 - 300 km… Thực hiện mục tiêu trên, hạ tầng giao thông đặc biệt quan trọng, đóng vai trò then chốt, rút ngắn thời gian giao thương hàng hóa những vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc và các tỉnh lân cận với Hà Giang, hướng tới thị trường Trung Quốc. Đồng thời tạo nên trục kết nối ngang, liên kết các tỉnh vùng Đông Bắc – Tây Bắc để khai thác tiềm năng, lợi thế trong các lĩnh vực thế mạnh như du lịch, nông nghiệp, kinh tế biên mậu.

Đường Ngọc Đường - Tùng Bá - Thái An mở ra cơ hội phát triển cho các xã Tùng Bá, Thuận Hòa (Vị Xuyên) và Thái An, Cán Tỷ (Quản Bạ).
Đường Ngọc Đường - Tùng Bá - Thái An mở ra cơ hội phát triển cho các xã Tùng Bá, Thuận Hòa (Vị Xuyên) và Thái An, Cán Tỷ (Quản Bạ).

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các bộ, ngành T.Ư cùng những nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh với sự chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn; các tuyến quốc lộ, đường tỉnh bước đầu được triển khai xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp; hạ tầng giao thông đô thị, giao thông nông thôn được quan tâm đâu tư. Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh huy động được trên 8.600 tỷ vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp trên 650km đường quốc lộ và tỉnh lộ, 320km đường huyện, 86km đường đô thị, 8,5km đường nội bộ khu công nghiệp, khu du lịch; xây dựng 2.662 cầu, cống các loại; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 1.790km đường giao thông nông thôn. Đến nay 100% các xã, phường, thị trấn và 86,02% thôn bản trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm. Hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh phục vụ đắc lực hoạt động giao thông, giao thương của nhân dân, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh tăng trưởng.

Tuy nhiên, so với yêu cầu và những tiềm năng, lợi thế của Hà Giang như: Có 2 cửa khẩu quốc tế và song phương cùng nhiều lối mở thông quan hàng hóa với Trung Quốc; hàng năm đón trên 1,5 triệu lượt khách du lịch đến với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; là tỉnh có vùng sản xuất trên 9.000 ha cam, trên 21.000ha chè, 17.000 ha dược liệu, hàng năm đưa ra thị trường gần 167.000 lít mật ong Bạc hà và nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng, hàng hóa đã được cấp Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu sản phẩm… Hệ thống giao thông của Hà Giang còn rất nhiều hạn chế, lạc hậu và thiếu đồng bộ, kém tính kết nối và là “điểm nghẽn” trong quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh. Đến nay, Hà Giang là tỉnh duy nhất trong khu vực Đông Bắc bộ chưa có đường cao tốc hoặc cảng hàng không kết nối hạ tầng giao thông; chỉ có 1/7 đoạn tuyến quốc lộ trên địa bàn đạt tiêu chuẩn đường cấp III; trên 340km đường tỉnh chưa được đầu tư hoàn chỉnh; trên 7.000km đường giao thông nông thôn đã được đầu tư nhưng quy mô nhỏ, chất lượng thấp… Giao thông đang là “rào cản” kìm hãm sự phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN của tỉnh.

Trước thách thức trên và những yêu cầu phát triển đề ra trong tương lai, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025 với quan điểm hiện thực hóa khâu đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra và phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo động lực phát triển KT-XH nhanh, bền vững, củng cố vững chắc QP-AN. Đồng thời tập trung ưu tiên nguồn lực, vật lực và có giải pháp, chính sách phù hợp xây dựng hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo bền vững, lâu dài.

Những mục tiêu chính đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh được xác định như: Đầu tư giai đoạn 1 đường cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ và nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Đề nghị các bộ, ngành T.Ư quan tâm bố trí vốn đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp IV; quy hoạch đầu tư xây dựng cảng hàng không. Trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu hoàn thành đầu tư nâng cấp 170km đường tỉnh của 5 tuyến với tiêu chuẩn đường cấp IV; nâng cấp các tuyến đường huyện quan trọng có lưu lượng xe lớn đạt tiêu chuẩn theo quy hoạch; đầu tư các tuyến đường ra cửa khẩu phát triển kinh tế biên mậu; xây dựng các cầu qua sông Lô, sông Gâm, mở rộng đô thị. Phấn đấu hết năm 2025, 100% các thôn biên giới có đường giao thông đạt chuẩn NTM; phát triển hợp lý hạ tầng giao thông đô thị theo hướng hiện đại, thuận tiện; đầu tư xây dựng bến thủy nội địa tại các lòng hồ thủy điện phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách kết hợp phát triển du lịch…

Giao thông luôn được coi là huyết mạch của nền kinh tế. Hy vọng rằng những mục tiêu đã được xác định cùng những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh sẽ sớm được hiện thực hóa, thúc đẩy KT-XH của tỉnh bứt phá đi lên trong giai đoạn tới.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những ngôi nhà ấm lòng người dân cực Bắc
Xuân 2022 - Xuân Nhâm Dần 2022 đã đến. Khó có thể đong đếm được niềm vui, hạnh phúc của những gia đình người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh khi được vui Xuân, đón Tết trong ngôi nhà mới của mình...
31/01/2022
Điểm Báo Hà Giang Xuân Nhâm Dần 2022
BHG - Hòa trong sắc Xuân Nhâm Dần 2022, những người làm Báo Báo Hà Giang cũng phấn khởi với số báo Hà Giang Xuân Nhâm Dần. Tờ Báo Xuân năm nay có 100 trang, in màu sắc nét, là một sản phẩm báo chí đặc biệt của một năm nỗ lực, vượt qua khó khăn của những người làm Báo hà Giang.
31/01/2022
Thể thao Hà Giang vượt khó trong đại dịch
Xuân 2022 - Năm qua, trong bối cảnh khó khăn chung của các cấp, ngành khi phải đối diện với dịnh bệnh Covid – 19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, suy giảm về kinh tế. Tuy nhiên, với cách làm linh hoạt, sáng tạo, tranh thủ từng cơ hội ít ỏi, thể thao tỉnh ta đã giành được những tấm huy chương quý báu trong thi đấu thể thao thành tích cao và các môn thể thao phong trào.
31/01/2022
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2022
Quy định mới về xuất xứ hàng hóa; quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công; chỉ được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2022.
31/01/2022