Mùa hoa đắng
(Xuân Giáp Ngọ)-Khi những đợt gió đông khe khẽ chuyển mình, khắp các bản làng rộn ràng mùa cốm, vào mỗi buổi sáng sớm chúng tôi thường tìm đến gốc cây hoa đắng để nhặt những bông hoa còn đọng giọt sương mai đem về chế biến các món ăn.
Hoa đắng đang thời kỳ nở rộ.
Ai có dịp ghé thăm các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Xín Mần hay Bắc Mê... đâu đâu cũng bắt gặp những cây hoa đắng (người Tày gọi là boóc kè) mọc ven đường, bên cánh đồng, bờ suối... là loại thân gỗ, tán rộng, lá to... Vào khoảng tháng 10 âm lịch, những nụ hoa chúm chím kết từng chùm, khoảng tháng 11, 12 nở rộ trông như những chùm hoa loa kèn trắng xóa một góc trời. Mỗi sáng sớm, chúng tôi thường cắp rổ ra đồng nhặt những bông hoa rụng đem về chế biến các món ăn. Hoa đắng có thể luộc, nấu canh thịt băm, cũng có thể đem phơi khô xào thịt ăn rất ngon và bùi; nhưng ngon nhất là xào mẻ, hoặc để nguyên bông, bỏ nhụy rồi nhồi thịt băm đem hấp. Vị đắng của hoa làm nhiều người phải e dè, nhưng ai đã biết ăn loại hoa này sẽ thấy đằng sau vị đắng ấy có một vị thanh mát rất dễ chịu. Hoa đắng tính mát, có khả năng thanh nhiệt, tiêu độc...
Hoa đắng vào mùa không khó kiếm, đã trở thành món hàng tại các chợ quê, người ta đem hoa tết thành vòng trông rất đẹp mắt. Trong cơn gió đầu đông se lạnh, trên mâm cơm gia đình có đĩa hoa đắng, thật bình yên và ấm cúng biết bao!
Ý kiến bạn đọc