Miến dong Gia Long trong ngày Tết cổ truyền
(Xuân Giáp Ngọ)- Một tô miến dong nấu lòng gà, thêm chút mộc nhĩ, nấm hương, rồi chút hành lá bốc lên thơm lựng sẽ làm cho hương vị ngày Xuân muôn nhà thêm phần ấm cúng.
Cô phụ trách sản xuất miến dong của Doanh nghiệp Gia Long cho biết: Miến dong của đơn vị được sản xuất rất công phu, bằng 100% củ dong trồng tại địa phương, hơn 10 tháng mới cho thu hoạch. Từ tháng 10, tinh bột trong củ tốt nhất cũng là lúc bắt đầu thu hoạch làm bột dong. Quá trình chế biến nhiều công đoạn: Củ được ngâm, rửa thật sạch trước khi máy nghiền nát. Nguyên liệu trên đưa vào các bể ngâm lọc vừa đảo, vừa khuấy đi, lọc lại đến khi nước lọc trong vắt mới được bột dong nguyên chất chế biến miến. Bột được lọc vắt thật khô, tráng thành bánh tựa như tráng bánh phở, rồi được tải qua băng sấy nhiệt độ cao cho chín đều. Từ bánh tráng đem cắt thành sợi miến phơi nắng nhiều lần đến khô mới đóng bao túi kín gió để bảo quản.
Thương hiệu đọng mãi muôn nhà.
Mỗi năm, doanh nghiệp tổ chức ký hợp đồng với hơn ngàn hộ đồng bào trong vùng trồng dong nguyên liệu theo hình thức: Đầu tư hỗ trợ giống, phân bón và bao tiêu 100% sản phẩm làm ra. Cách làm trên giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo. Tính toán sơ bộ, mỗi ha tận dụng đất trồng có thể mang lại thu nhập từ 40 – 50 triệu đồng/năm. Mục tiêu của doanh nghiệp đề ra đã đáp ứng 2 lợi ích rõ nét là: Tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhà nông và hỗ trợ xoá nghèo bền vững. Việc làm trên được Đảng bộ, chính quyền địa phương và đồng bào trong huyện ghi nhận với cái tên: Doanh nghiệp “Xã hội hoá giảm nghèo” ở Xín Mần. Đã qua nhiều năm tổ chức sản xuất, chế biến, phân phối đến người tiêu dùng, miến dong Gia Long dần trở thành sản phẩm không thể thiếu trong mỗi kỳ lễ hội, hay các bữa ăn thường ngày mỗi gia đình. Chất lượng miến “thật” ngày vang xa, đọng lại trong lòng người sử dụng. Và cũng đã thành lệ, dịp Tết đến, Xuân về, miến dong Gia Long lại theo mỗi người đi gần xa tới bữa ăn muôn nhà, tạo cho ngày Tết thêm đầm ấm, yên vui.
Ý kiến bạn đọc