Rêu đá
(HGĐT)- Không biết rêu đá có từ bao giờ, rêu mọc bốn mùa dưới nước, trên những tảng đá to, nhỏ, xung quanh những phiến đá. Đá nhỏ, đá đang lớn cũng đã có rêu bám vào. Khi ở dưới nước, quẹ như mái tóc của con gái mới gội xong, nó mượt mà bởi được dòng nước trong chải hết buị bặm và cây cỏ
Đứng trên bờ nhìn xuống, một suối rêu xanh mướt trải dài theo dòng nước không bao giờ hết. Người Mường Chang gọi rêu đá là quẹ.
Mùa quẹ, ngày nào cũng có người ở bản xa đến suối bản mình, người nào cũng mang theo hai cái xoỏng* và cái đòn gánh để ở trên bờ. Họ chia nhau ra từng tốp, xuống các đoạn suối cách nhau đến hơn mười khóm tre. Mỗi khi nhặt được nắm quẹ to, họ dùng hai tay vắt thật chặt rồi cẩn thận đặt nắm quẹ sạch lên hòn đá nhô khỏi mặt nước. Họ cúi suốt buổi nhặt quẹ, bỏ lại rất xa những nắm quẹ nhặt được. Những nắm quẹ đặt trên các hòn đá nhô lên khỏi mặt nước trông như qủa sổi rụng, được nước đưa lên, đặt trên các tảng đá, hay những nắm cơm nếp, được gói bằng lá dong xanh đặt không theo hàng lối, rải ra khắp mặt suối. Đến trưa, họ lên bờ tụm nhau thành ba, năm người mang cơm nắm ra ăn, nghỉ một lúc lại tiếp tục xuống suối nhặt. Khi mặt trời chếch núi Khau Vìn, các tốp lần lượt thu quẹ cho vào các xoỏng, xoỏng nào cũng đầy chặt. Đoàn người nhặt quẹ lại gánh những gánh quẹ rời khỏi bản.
Trời gần tối, tiếng đập quẹ vang lên giòn giã ở các khúc suối. Quẹ bản ta phải ngon hơn quẹ bản khác thì các nơi mới về đây nhặt quẹ.
Tôi đã từng nghe bà nội kể: Quẹ ở vùng ta, xã nào, bản nào cũng có nhưng chỉ có quẹ mọc ở bản ta, suối ta mới ngon thôi. Vì suối bản ta nước trong, đá bản ta đá cuội, đá cứng. Cả hai thứ đó đều do nước từ Thác Và ở bản Then và nước từ Thác Bó ún ở Thống Lay đưa ra. Hai thác đó đều bắt nguồn từ Thượng giới chảy về. Thác nào cũng cao sừng sững, cách xa hàng chục dặm cũng nhìn thấy nước tung bọt trắng xóa như một chiếc chiếu, trải dài từ trên cao xuống. Nên ngày nào, mùa nào cũng có người đến nhặt quẹq ở bản ta là thế.
Làm quẹ không khó nhưng cũng không dễ chút nào. Ngay từ khi vớt quẹ ở suối đã phải biết. Người ta chỉ vớt chỗ quẹ mọc ở khúc suối trong, nước chảy đều vừa phải, không chảy nhanh hoặc chậm quá. Chỗ nước chảy nhanh, làm quẹ rách nát, sợi quẹ cứng và thô, cái ngon bị nước đưa đi hết. Ngược lại, chỗ nước chảy chậm hay đọng lại, sợi quẹ bị bùn, cây cỏ bám, không thở được, nó úa vàng và mủn. Sợi rất mịn, xanh mướt đưa tay xuống vớt ta cảm thấy mát rượi và không có bẩn bám, đấy mới là quẹ ngon. Có hai loại: Một loại sợi to, thô gọi là quẹ nháo, loại này không nên ăn. Nếu lấy về thì lúc còn sống nó to bằng con trâu, khi chín chỉ bằng con gà, ăn nhớt lắm mà không có vị gì cả. Một loại sợi nhỏ, mịn, xanh mát gọi là quẹ húc. Loại này mới chính là quẹ ngon.
Người ta thường đập và rửa quẹ ở suối. Dùng hai tay vục nước lên rửa tảng đá to, mịn và phẳng ở bờ suối. Cẩn thận dùng chày gỗ đập lên quẹ từ trái sang phải, lại từ phải sang trái. Tiếng thác không to cũng không nhỏ nghe đều đều. Khi đập phải đủ ba đợt, sau mỗi đợt lại rửa thật sạch. Nên nhớ, mỗi đợt chỉ đập nhẹ đủ cho bụi và bẩn ra khỏi quẹ. Nếu đập quá mạnh, đứt hết các sợi quẹ, mất ngon.
Sau mỗi đợt đập, xẻ quẹ ra làm hai phần bằng nhau, lần lượt cầm từng nhóm cho vào xoỏng, kẹp xoỏng vào giữa hai đầu gối cho vừa đủ nước vào trong xoỏng, không để xoỏng nghiêng hoặc trôi đi. Sau đó, dùng hai tay rũ quẹ cho tung ra. Bụi và nước bẩn lọt qua các khe xoỏng chảy ra ngoài thành một màu xanh đục. Khi rửa quẹ phải chú ý nếu sót lại các cọng cỏ nhặt ra ngay, không nhặt đưa lên đập tiếp, cỏ sẽ gẫy vụn bám vào quẹ càng bẩn thêm.
Đến công đoạn này càng cần phải kỹ thuật, xé thật nhỏ đều quẹ ra, thái nhỏ củ sả, lá răm, hẹ, húng* và đập thêm một, hai hạt dổi khô đã nướng sẵn thơm phức. Tất cả, làm cho thật nhỏ, mịn rồi rắc lên quẹ. Nhẹ nhàng dùng tay đảo đều. Cuối cùng nêm muối, vén gọn quẹ lại rồi dùng đầu ngón tay đặt lên đầu lưỡi xem đã vừa chưa. Gói quẹ thành một gói vuông vức. Rồi dùng cái híp* được làm bằng tre già để sẵn kẹp gói quẹ lại, dùng lạt giang buộc chặt đầu gắp quẹ, gác ngay ngắn bên cây củi gộc cạnh bếp. Chuẩn bị nướng quẹ phải chờ bếp có than.
Bếp đã rực than, cời than đỏ lừ, kê củi hai bên rồi đặt gắp quẹ sát cạnh đám than. Kinh nghiệm nướng quẹ được người già truyền lại rằng:
-" Quẹ chí áp, táp chí hơ". Có nghĩa là :Nướng quẹ phải đặt áp vào than, nước ngọt và thơm của nó chưa kịp rớt xuống thì quẹ đã chín. Còn nướng thịt, cá phải để xa hơn, chỉ hơ cạnh than, ở bên trong kịp chín, mới ngon. Khi nướng, không phải xoay nhiều lần mà nướng chín một bên, sau đó nướng tiếp bên còn lại. Khi dùng hai ngón tay bấm thấy mềm là quẹ đã chín.
Vào mùa cốm, người ta lấy quẹ về làm nhân bánh moọc *ngon lắm. Ngày thường, mổ gà hay vịt băm nhỏ trộn lẫn quẹ đồ như đồ xôi ăn rất ngon. Ngày vào nhà mới hay đám cưới có xôi quẹ lẫn thịt gà băm thì quá tốt. Nhưng gì thì gì, quẹ nướng vẫn ngon hơn cả.
Chú thích:
· Lá hứng: Một thứ lá cây ở rừng dùng để làm gia vị khi chế biến rêu suối.
· Híp: Tiếng gọi cái cặp dùng để gắp gói rêu nướng.
· Bánh moọc: Là bánh được làm bằng gạo nếp non, già hơn cốm. Dùng rêu đá trộn với thịt vịt băm nhỏ làm nhân.
Ý kiến bạn đọc