Đại biểu QH Hoàng Ngọc Định (đơn vị tỉnh Hà Giang) thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
BHG - Sáng 27.10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đại biểu Hoàng Ngọc Định, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia một số ý kiến vào dự thảo luật này.
Quang cảnh phiên họp sáng 27.10. Ảnh: CTV |
Đại biểu Hoàng Ngọc Định bày tỏ tán thành cao với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như dự thảo luật sửa đổi trình tại kỳ họp lần này.
Để tiếp tục hoàn thiện luật này, theo đại biểu, tại Điều 26 “Nhiệm vụ chi của địa phương”, trong khoản 1 quy định nhiệm vụ chi của địa phương dự kiến bao gồm: Các khoản về mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, phương tiện, diễn tập, hội thi; bồi dưỡng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; sơ kết, tổng kết, khen thưởng và các khoản chi khác cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang dự phiên họp. Ảnh: CTV |
Mặc dù trong Báo cáo số 670/BC- UBTVQH15, ngày 25.10.2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật đã có giải trình đến nội dung này. Tuy nhiên đại biểu cho rằng các nhiệm vụ chi phục vụ hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại địa phương nhiều, nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hàng năm lớn nên vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, đặc biệt là đối với những địa phương còn khó khăn như Hà Giang, ngân sách chủ yếu phụ thuộc vào T.Ư. Trong khi đó, chính sách do T.Ư ban hành và được ban hành mới trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025, nên chưa được tính trong định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV |
Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ các địa phương khó khăn về ngân sách, không cân đối được ngân sách để bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng này. Trường hợp không quy định cơ chế hỗ trợ thì cần đảm bảo tính đủ kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách trong định mức phân bổ chi thường xuyên của lĩnh vực quốc phòng, an ninh hàng năm cho các địa phương.
Trong khoản 2, Điều 26 dự thảo luật quy định: “Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp quyết định mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương”. Theo đại biểu, quy định như trên sẽ tạo sự không công bằng về chế độ giữa các địa phương, do các tỉnh có điều kiện tự cân đối ngân sách sẽ có điều kiện để quy định mức chi cao hơn các địa phương miền núi, khó khăn. Trong khi nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của các địa phương là giống nhau.
Để đảm bảo thực hiện thống nhất giữa các địa phương trên toàn quốc và đảm bảo tính công bằng về chế độ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi theo hướng quy định cụ thể mức chi hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoặc có thể chia theo mức hỗ trợ của các vùng miền, gắn với điều kiện tự nhiên, điều kiện KT - XH và AN - TT của các địa bàn.
Duy Tuấn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc