Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2022
BHG - Sáng 21.12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2022. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến dự và có phát biểu chỉ đạo quan trọng. Dự tại điểm cầu trung tâm có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư. Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Tư pháp và các ngành liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh. |
Năm 2021, ngành Tư pháp đã kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao. Trong năm, các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 Luật, 5 Nghị quyết và cho ý kiến đối với 5 Dự án Luật khác, với nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến quốc kế dân sinh, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phục hồi và phát triển KT - XH. Toàn ngành Tư pháp tập trung rà soát được 29.955 Văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), giảm 9% so với năm 2020, kiến nghị xử lý đối với 5.581 văn bản (tăng 15,9% so với năm 2020). Các cơ quan Thi hành án dân sự đã nỗ lực thi hành xong 493.971 vụ việc với trên 45.705 tỷ đồng, trong đó có hơn 4.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng theo dõi. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử triển khai tại 63 tỉnh/thành ghi nhận trên 21,2 triệu dữ liệu khai sinh với trên 6,4 triệu dữ liệu khai sinh đủ điều kiện. Tổ chức 628.972 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp, phát miễn phí hơn 68.6 triệu bản tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả hơn, đặc biệt trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã có nhiều đổi mới trong tư duy, cách làm. Công tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học pháp lý; việc thanh tra, kiểm tra… được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần quan trọng vào phát triển KT - XH, bảo đảm QP - AN của đất nước và của từng địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác Tư pháp vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, như: Vẫn còn tình trạng chậm ban hành văn bản; chất lượng một số Văn bản QPPL của các bộ, ngành, địa phương còn thấp; công tác PBGDPL ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có trọng tâm, trọng điểm; vẫn còn trường hợp ra quyết định thi hành án thiếu chính xác phải thu hồi, hủy bỏ; tình trạng chậm cấp phiếu Lý lịch tư pháp vẫn còn; hoạt động của một số tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, còn có nhiều sai phạm…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, tham luận đã được trình bày tại Hội nghị và khẳng định: Trong năm 2021, các cơ quan Tư pháp từ T.Ư tới địa phương đã có những đóng góp quan trọng, toàn diện vào thành tựu chung của đất nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, ghi nhận những kết quả đã đạt được và đánh giá cao sự cố gắng của ngành Tư pháp. Bên cạnh đó, nhấn mạnh một số nội dung hạn chế cần khắc phục: Chất lượng xây dựng các văn bản còn hạn chế; đầu tư nguồn lực chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đột phá; một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm chú trọng trong công tác GDPBPL… Đối với nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Tư pháp tiếp tục bám sát vào chủ trương, nghị quyết của Đảng, tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những nhiệm vụ được giao về xây dựng thể chế pháp luật phù hợp với điều kiện thực tiễn; tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo, huy động sức mạnh của tập thể trong việc xây dựng, phổ biến, giám sát thực thi pháp luật. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí nhân lực, nâng cao năng lực đối với cán bộ làm công tác tư pháp. Tăng cường chất lượng, tiến độ thi hành án; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực phục vụ nhân dân. Tích cực phòng chống tiêu cực, tham nhũng ngay từ khi xây dựng thể chế với quan điểm đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân…
Tin, ảnh: Văn Long