Nhà báo Võ Nguyên Giáp: Ngọn bút chiến binh - Trí Dũng và Chính Nghĩa!
Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh được ví như người cha của nền báo chí cách mạng, Tổng Bí thư Trường Chinh như người anh cả của nền báo chí ấy thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là một trụ cột, một ngọn bút chiến binh – chiến lược chủ chốt trên trận địa tư tưởng của Đảng ta. Đại tướng còn là một nhà báo có một không hai trong lịch sử báo chí thế giới: Một đại tướng, một nhà báo làm báo từ năm 16 tuổi cho đến khi hơn trăm tuổi, một người từng kinh qua mọi vị trí của nghề báo: Từ Chủ tịch hội, Tổng biên tập, biên tập viên, phóng viên đến thư ký tòa soạn, trình bày, đưa nhà in, sửa mo-rát và… phát hành báo!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có lẽ là một trong những người làm báo sớm nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam khi năm 16 tuổi, cậu học trò Trường Quốc học Huế Võ Nguyên Giáp đã viết bài báo đầu tiên.
Một số hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ |
Trong bài viết “Mười lăm năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám” đăng trên Tạp chí Nhà báo và Công luận số tháng 8-1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại:
“Năm 1925, tôi mới 14 tuổi, từ một làng quê Quảng Bình vào Huế học ở trường Quốc học. Đây là một cái nôi của phong trào học sinh yêu nước Miền Trung. Học sinh trao tay nhau những bài thơ ca yêu nước. Anh Hải Triều đã đưa tôi đọc Bản Án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc, báo Le Paria, báo Việt Nam hồn... Cuộc đấu tranh âm ỉ đã nổi lên nhân phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu, nhân đám tang cụ Phan Chu Trinh. Ban giám hiệu người Pháp và các giám thị tăng cường theo dõi, o ép, dẫn tới cuộc bãi khóa lớn của học sinh năm 1927, bắt đầu từ Quốc học. Một số học sinh trong đó có tôi bị đuổi khỏi trường.
Tôi nảy ra ý định viết một bài báo với tiêu đề “Đả đảo tên bạo chúa ở trường Quốc học”. Phải viết bằng tiếng Pháp để gửi cho tờ L’Annam xuất bản ở Sài Gòn, do luật sư Phan Văn Trường làm chủ nhiệm. Đây là tờ báo dám công khai đả kích thực dân Pháp. Bài báo có tiếng vang ở Huế và nhiều nơi. Mối duyên nợ với báo chí bắt đầu từ đây”.
Ngay sau khi đọc bài báo, Luật sư Phan Văn Trường khi đó làm chủ bút đã phải thốt lên: “Một cây bút mới xuất hiện lần đầu ở bản xứ này, mà có giọng văn sắc sảo như giọng văn Nguyễn Ái Quốc bên Paris”.
Ở tuổi 16 đã bị đuổi học, anh được giới thiệu vào làm việc ở Huế, tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập và làm việc tại Báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Anh bắt đầu học nghề làm báo và đã mạnh dạn viết nhiều thể loại, trong đó có loạt bài tuyên truyền chủ nghĩa Mác dưới dạng phổ thông. Anh còn viết hàng chục bài báo khác về các vấn đề chính trị - xã hội, triết học, bình luận quốc tế trong chuyên mục “Thế giới thời đàm”.
“Hồi đó, ở Huế có báo Tiếng dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút. Đây là tờ báo lớn đầu tiên ở Trung Kỳ có tư tưởng tiến bộ. Tôi được giới thiệu vào làm biên tập ở báo Tiếng dân. Tôi viết nhiều bài với nhiều bút danh như Vân Đình, Hải Thanh - đây là dịp tốt để làm quen với mọi thể loại, từ bình luận tình hình thế giới, nghiên cứu những vấn đề chính trị, xã hội trong nước, tới điều tra, phóng sự. Cụ Huỳnh không tán thành những quan điểm “bôn-sơ-vic”, nhưng vẫn đồng ý để tôi viết một loạt bài giới thiệu chủ nghĩa Mác dưới dạng phổ thông. Những bài viết của tôi lời lẽ phải cân nhắc, nói chung đều được đăng. Nhưng cũng nhiều lần bị kiểm duyệt cắt trắng cả mấy cột báo” – Đại tướng kể lại.
Những tờ báo đầu tiên Võ Nguyên Giáp sáng lập và tổ chức |
Năm 1930, sau khi sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt giam hơn một năm, bị trục xuất khỏi Huế. Anh ra Hà Nội, học đỗ cử nhân luật năm 1937.
“Những năm đầu thập niên 30, các cơ sở của Đảng ở Hà Nội bị phá vỡ, chưa kịp phục hồi. Chưa bắt được liên lạc với Đảng, tôi vừa tự học, vừa tranh thủ đọc sách, báo tiến bộ để trau dồi kiến thức, theo dõi sát tình hình chính trị trong nước và trên thế giới. Năm 1935, tôi vào dạy học ở Trường tư thục Thăng Long.
Thời đó, ở một góc ngã tư phố Tràng Tiền, có đặt một bảng Thông tin. Hằng ngày, đi dạy học qua đây, tôi đều dừng lại. Một buổi chiều tháng 5 năm 1936, có tin Mặt trận Bình dân, gồm hàng chục tổ chức chính trị, với Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội làm nòng cốt, giành thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử ở Pháp. Tình hình đang chuyển biến theo chiều hướng thuận lợi. Tôi nghĩ ngay tới chuyện ra một tờ báo để đón thời cơ” – Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong bài viết.
Đại tướng kể: Theo luật pháp của chính quyền thực dân, muốn ra báo bằng tiếng Pháp, chỉ cần nộp trước tờ khai tên báo, chủ nhiệm, quản lý, nếu vi phạm pháp luật, những người này sẽ bị đưa ra tòa xét xử. Nhưng muốn xuất bản một tờ báo tiếng Việt thì phải xin phép, thể lệ rất phiền phức và thường phải chờ đợi lâu.
May sao có tờ Hồn trẻ của Hướng đạo sinh, vì thua lỗ phải tạm ngừng xuất bản, chủ nhiệm báo sẵn sàng nhượng lại bản quyền. Tôi bàn với một số giáo sư tiến bộ ở trường Thăng Long cùng nhau góp tiền để làm cho tờ báo sống lại với một nội dung hoàn toàn mới. Chỉ 2 ngày sau khi Léon Blum tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ Pháp, ngày 6-6-1936 tờ Hồn trẻ tập mới ra đời. Có thể nói đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên công khai cổ động đấu tranh cho các khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, đòi đại xá chính trị phạm, ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp và tập hợp nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhằm phản ánh với phái đoàn điều tra của Chính phủ Bình dân do Goda cầm đầu, sẽ sang Đông Dương. Báo rất được bạn đọc hoan nghênh, in ra không đủ bán. Ra đến số 5 thì nhà cầm quyền ra lệnh đóng cửa.
Biết ra báo tiếng Việt sẽ bị o ép song ra báo tiếng Pháp dễ hơn nhiều nên Võ Nguyên Giáp chuyển sang làm báo tiếng Pháp. Ông cộng tác với Nguyễn Thế Rục, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, sinh viên Trường đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, xuất bản tờ Le Travail (Lao Động). Ngày 16-9-1936, Báo Le Travail do Võ Nguyên Giáp vừa là chủ bút, vừa là biên tập viên chính ra đời. Báo ra được 30 số đến 16-4-1937 tiếp tục bị đóng cửa.
Lúc này, nhiều tờ báo tiếng Pháp và tiếng Việt được Đảng chỉ đạo xuất bản công khai. Báo tiếng Pháp có các tờ Rassemblement (Tập hợp), En Avant (Tiến lên), Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta); báo tiếng Việt có Thế giới, Đời nay, Tin tức, Ngày mới… Võ Nguyên Giáp hăng say làm báo dù hầu như không có nhuận bút và phụ cấp.
Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Suốt những năm đó, nghề chính của tôi là dạy học ở trường Thăng Long, tôi cũng đã nộp đơn học trường luật nhưng phần lớn thời gian dành cho báo chí. Tôi làm hết các chân của nghề báo, từ viết xã luận, thời đàm, nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung... cho tới viết bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa bản bông và không ít khi làm cả việc phát hành báo”.
Trung tướng Hồng Cư, người em cọc chèo với Đại tướng có lần viết trên Báo Quân đội nhân dân: Thời gian này, anh Giáp làm việc rất hào hứng, mặc dù sức khỏe của anh không tốt cho lắm. Nghe tin có cuộc bãi công lớn của công nhân vùng mỏ, Võ Nguyên Giáp đã đạp xe đạp 200km từ Hà Nội về tới Cẩm Phả để viết bài đăng báo. Cuộc bãi công nổ ra ngày 13-11-1936 lúc đầu tại Cẩm Phả, với trên một vạn thợ mỏ tham gia, sau một tuần lan ra khắp vùng mỏ với trên năm vạn người tham gia. Chính quyền thực dân Pháp điều động lính lê dương về vùng mỏ, uy hiếp tinh thần thợ bãi công. Anh Giáp viết bài tố cáo đăng liên tiếp mấy số báo Le Travail. Những bài báo này đã gây được sự chú ý của dư luận trong nước và cả ở Pháp, tạo ra sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của thợ mỏ.
Có lần cùng một lúc, các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nam đều bận việc đột xuất, không kịp viết bài, anh Giáp ngồi từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, viết kín một thếp giấy 48 trang và bố cục, trình bày xong cả một số báo cho kịp đưa xuống nhà in, sau khi ăn điểm tâm, lại tới trường Thăng Long dạy học.
Hội nghị lần thứ nhất của báo giới Bắc Kỳ họp ngày 24-4-1937 tại Hội quán CSA số 1 phố Charles Coulier (nay là Câu lạc bộ Thể dục thể thao Khúc Hạo) đã bầu Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch và Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.
Theo nghiên cứu của PGS, TS Hà Huy Phượng (Học viện Báo chí và Tuyền truyền): Tháng 5-1940, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được Xứ ủy Bắc kỳ cử sang Vân Nam (Trung Quốc) hoạt động. Từ đây, Võ Nguyên Giáp được hoạt động cách mạng, được làm báo cũng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổng Bí thư Trường Chinh; Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Đại tướng Võ Nguyên Giáp...: Những bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam: Ảnh: Tư liệu |
Cũng thời gian này, Võ Nguyên Giáp được Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng vũ trang cho cuộc Tổng khởi nghĩa đang đến gần. Sau hội nghị Trung ương 8 năm 1941, Trung ương thành lập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ chỉ đạo ra tờ báo Việt Nam độc lập và phân công Võ Nguyên Giáp viết một số bài quan trọng. Đã làm báo, viết báo rất nhiều nhưng chưa bao giờ Võ Nguyên Giáp thấy viết báo khó khăn như thời gian làm báo Việt Nam độc lập cùng Hồ Chí Minh.
Bài báo đầu tiên Võ Nguyên Giáp được Nguyễn Ái Quốc giao viết với yêu cầu: “Chú chỉ được viết 100 chữ”. Đó là bài “Chị em phụ nữ phải đoàn kết lại!” (đăng trên báo Việt Nam độc lập số 112, ngày 1-12-1941). Trước đó, hầu hết các bài báo của Võ Nguyên Giáp đều dài, có bài dài như những chuyên luận. “Anh Phạm Văn Đồng và tôi đều làm báo từ năm 1930, nhất là thời kỳ Mặt trận bình dân, nhưng khi đưa cho Bác xem tờ Tiếng Suối reo chúng tôi làm ở Tĩnh Tây, các bài đều dài vì sợ độc giả không hiểu, cứ phải luận giải, Bác phê bình: “Báo này để cho các chú đọc, vì chỉ có các chú mới hiểu”. Chúng tôi vô cùng thấm thía” – Đại tướng kể lại.
Ngay sau khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời ngày 22-12-1944, Võ Nguyên Giáp đã cho ra đời tờ báo viết tay với tên gọi là Tiếng súng reo.
Ngày 22-12-1944, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 đội viên. Ảnh: Phóng viên Báo QĐND |
Sang năm 1945, Võ Nguyên Giáp còn tiếp tục làm chủ bút, chỉ đạo biên tập 5 số đầu tiên (từ 20-6 đến 5-8-1945) của báo Nước Nam mới. Ông cũng chủ trì việc thành lập Báo Quân Giải phóng của Việt Nam Giải phóng quân. Số 1 của Báo Quân Giải phóng số ra ngày 5-8-1945 đăng bài quan trọng của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với bút danh là Trí Dũng biểu dương, phê bình rút kinh nghiệm một số trận chiến đấu để: “Phải làm thế nào mỗi lần đánh là một lần thắng cả về chính trị lẫn quân sự”.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Võ Nguyên Giáp được Đảng, Bác Hồ giao nhiều trọng trách mới. Giữa bộn bề công việc, ông vẫn tích cực tham gia hoạt động báo chí với nhiều bài viết quan trọng, mang tầm định hướng chiến lược.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với vai trò tướng quân tại ngoại, Đại tướng hết sức coi trọng mặt trận tuyên truyền, báo chí. Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức tòa soạn tiền phương trong rừng Mường Phăng nằm ngay cận kề hầm Đại tướng. Đại tướng thường xuyên chỉ đạo và là tác giả (bút danh Chính Nghĩa) của những bài xã luận, bình luận sắc bén trên 33 số báo Quân đội nhân dân tại mặt trận.
Ông Hoàng Xuân Tùy, Chủ nhiệm Báo Quân đội nhân dân (chức vụ tương đương Tổng biên tập ngày nay) khi đó kiêm thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kiêm Trưởng ban Tuyên huấn Mặt trận Điện Biên Phủ đã luôn nắm bắt kịp thời mọi chỉ đạo để có những bài viết sắc bén. Bộ đội thường đón đọc những bài Chính Nghĩa viết và có khi trong bài của Chính Nghĩa còn cài chi tiết để đánh lạc hướng quân địch. “Những bài ấy được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam để cho đối phương nghe”, nhà báo Trần Cư – nguyên Thư ký tòa soạn tiền phương sau này tiết lộ.
Sau này, trải suốt các cuộc kháng chiến trường kỳ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hay chặng đường xây dựng đất nước qua nhiều chông gai, thử thách, dù ở cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội hay khi đã nghỉ hưu, Nhà báo - Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn viết báo, viết sách không ngừng nghỉ. Các tác phẩm báo chí của Nhà báo - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bổ sung vào kho tàng lý luận và thực tiễn nghệ thuật quân sự Việt Nam cũng như nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Nhiều nhà báo trong nước và quốc tế đều khó quên trước hình ảnh gần gũi, thông tuệ của Đại tướng khi trả phỏng vấn các hãng thông tấn báo chí phương Tây như Reuter, UPI, AFP...
Trong một lần tiếp các nhà báo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự: “Tôi với tư cách là một vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, và là một nhà báo, tôi rất vui mừng và cảm động được các nhà báo đến thăm, chúc mừng và nhắc lại một thời làm báo của tôi. Báo chí là một lực lượng mạnh, có thể tạo nên sự chuyển biến con người. Báo chí phải tích cực tham gia vào công tác tư tưởng, xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ, phổ biến kiến thức mới trong nhân dân, trên cơ sở đó xây dựng một nước Việt Nam anh hùng nhưng giàu có”.
Năm 1991, Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng Nhà báo - Đại tướng Võ Nguyên Giáp Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam. Nhân dịp này, ông đã có bài viết nhìn lại chặng đường 15 năm làm báo trước cách mạng tháng Tám và tâm sự:
“Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Sau này khi đã chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là công việc tôi luôn luôn khẩn trương. Phải phát hiện kịp thời mưu đồ, thủ đoạn của giai cấp thống trị; yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân, để biết phải làm gì”.
“Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”.
Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những lần trở lại Điện Biên Phủ.
|
Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư dinh của Đại tướng ở Hà Nội (ảnh bên trái). Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, những người từng chỉ huy hai bên chiến tuyến, gặp mặt trực tiếp hai lần sau khi Việt-Mỹ bình thường hóa quan hệ (ảnh phải). |
Theo Quân Đội Nhân Dân