Hội thảo khoa học Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bài trừ một số hủ tục trong đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang
BHG - Sáng 16.6, tại huyện Mèo Vạc, Tỉnh ủy phối hợp với Huyện ủy Mèo Vạc tổ chức Hội thảo khoa học Đề tài Nghiên cứu thực trạng, bàn giải pháp bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang. Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ nhiệm đề tài; Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh...
Toàn cảnh hội thảo. |
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới với 19 dân tộc cùng chung sống, hạ tầng KT-XH thấp kém. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ tỉnh, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, KT-XH nói chung, trình độ dân trí nói riêng của đồng bào đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua công tác nắm tình hình, công tác dân vận cho thấy, trong cuộc sống đồng bào các dân tộc ít người chiếm tỷ lệ cao như Mông, Dao, Nùng, Giáy... vẫn còn tồn tại một số tập quán được lưu truyền từ lâu đời, được nhân dân sử dụng một cách thuần thục và trở thành thói quen trong đời sống xã hội, nhất là những tập quán trong ma chay, cưới hỏi, nhiều tập quán được lưu giữ tạo nên bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc. Tuy nhiên, trong các tập quán đó có một số tập quán không còn phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, biến tướng thành hủ tục gây mất an ninh trật tự, tốn kém lãng phí, mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển nòi giống của đồng bào các dân tộc và dẫn đến đói, nghèo, như: Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; việc thách cưới cao, tổ chức đám cưới, đám tang dài ngày, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm; việc quá coi trọng lễ nghi, cúng bái tới mức mê tín dị đoan; hủ tục cướp vợ...
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh: Những hủ tục chủ yếu xuất phát từ phong tục, tập quán của đồng bào đã hình thành từ lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; công tác tuyên truyền, vận động có lúc, có nơi chưa được quan tâm thường xuyên, liên tục, thiếu kiểm tra, giám sát; việc thực hiện hương ước; quy ước chưa nghiêm, chế tài xử lý chưa đủ sức giáo dục, răn đe; tư tưởng người dân không muốn thay đổi tập quán, xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu, nhất là các nghi lễ trong tang ma, cưới hỏi; một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu, chưa phát huy hết vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng dòng họ, Hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động người thân, dòng họ và nhân dân bài trừ các hủ tục, phong tục lạc hậu; do đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ không biết chữ phổ thông, mù chữ còn cao, việc tiếp cận, cập nhật thông tin, tiếp nhận các dịch vụ xã hội còn chậm, chưa kịp thời, thường xuyên.
Hờ Mí Cảnh và Sùng Thị Mai, người dân xã Lũng Phìn, trình bày những khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là việc chăm sóc con cái sau hôn nhân cận huyết thống. |
Từ thực trạng trên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng nêu ra 4 mục tiêu cụ thể mà đề tài nghiên cứu từ một số phong tục cổ truyền của các dân tộc Mông, Dao, Nùng, Giáy và Cờ Lao hiện nay đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với xã hội hiện tại: Thực trạng các hủ tục trong lễ hội; hôn nhân và gia đình; lối sống – nếp sống; một số vấn đề xã hội tiêu cực phát sinh trong quá trình giao lưu, tiếp thu các yếu tố văn hóa ngoại lai, lệch chuẩn trong cưới hỏi, tang ma. Rút ra nguyên nhân các hủ tục và vấn đề xã hội dưới góc nhìn văn hóa. Đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu các hủ tục từ góc nhìn phong tục tập quán của từng dân tộc. Xây dựng sổ tay tuyên truyền nhằm giảm thiểu hủ tục trong vùng đồng bào 5 dân tộc Mông, Dao, Nùng, Giáy và Cờ Lao.
Tại hội thảo các đại biểu trực tiếp là nạn nhân của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, người có uy tín đã nêu ra những khó khăn, những vấn đề nổi cộm về nuôi con, phát triển kinh tế, việc tiếp cận các dịch vụ văn hóa xã hội, việc học hành và những khó khăn khác trong cuộc sống tại gia đình, địa phương mình. Đặc biệt, có những trường hợp đám tang không cho xác vào quan tài, làm thủ tục kéo dài 4-5 ngày mới đưa đem chôn, giết mổ quá nhiều gia súc, gia cầm làm hao tốn tài sản, sức khỏe của nhân dân. Nhiều trường hợp bố mẹ chỉ cho con học đến lớp 9 rồi bắt nghỉ lấy vợ, sinh con còi cọc, bệnh tật, ốm yếu rất khó khăn trong việc chăm sóc, học hành sau này.
Các đại biểu cũng tập trung tham luận, thảo luận bàn giải pháp bài trừ hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Mèo Vạc nói riêng, của tỉnh Hà Giang nói chung. Trong đó nêu bật vai trò lãnh đạo của Đảng trong vận động đồng bào các dân tộc thiểu số bài trừ các hủ tục lạc hậu; quan điểm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền huyện, xã về duy trì, bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc ở địa phương; việc xây dựng các mô hình, các câu lạc bộ, tổ, nhóm bài trừ các hủ tục lạc hậu...
Tin, ảnh: VĂN NGHỊ