Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, chiều 28/10, Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trước khi thảo luận toàn thể tại Hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt báo cáo một số nội dung |
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả cụ thể như sau:
Về bố cục của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là nội dung quan trọng phục vụ việc cấp, quản lý giấy tờ xuất nhập cảnh, kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh; được kết nối với các cơ sở dữ liệu về dân cư, căn cước công dân, mà các cơ sở dữ liệu này đã được luật hóa thành các quy định cụ thể; được Thủ tướng giao Bộ Công an đầu tư xây dựng, thống nhất quản lý để dùng chung cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao từ năm 2010 đến nay. Đến nay, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được xây dựng, đưa vào sử dụng, khai thác và tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên, nội dung này quy định trong dự thảo Luật còn thiếu và chưa rõ. Các trường hợp được sử dụng mỗi loại hộ chiếu và trách nhiệm quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ là những vấn đề lớn, được dư luận quan tâm và thực tiễn phát sinh nhiều vướng mắc, liên quan trực tiếp đến việc hạn chế quyền công dân, nhưng chưa được đưa vào quy định trong dự thảo Luật. Do đó, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung các quy định có liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam tại Chương VI, quản lý, sử dụng các loại hộ chiếu tại Mục 1 Chương IV của dự thảo Luật đã chỉnh lý; đồng thời, sau khi rà soát, đã bổ sung, điều chỉnh bố cục của dự thảo Luật từ 6 chương 40 điều lên 8 chương 52 điều.
Toàn cảnh Phiên họp |
Về nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, quy định tại khoản 3 là nghĩa vụ, điều kiện cần thiết của công dân khi thực hiện xuất cảnh, nhập cảnh; quy định tại khoản 4 là trách nhiệm của cơ quan quản lý trong khâu tổ chức thực hiện. Tiếp thu ý kiến các ý kiến nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lược bỏ khoản 3, khoản 4 và bổ sung, chỉnh lý các nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh để bảo đảm phù hợp với cả công dân thực hiện xuất cảnh, nhập cảnh và cơ quan, cá nhân quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh như tại Điều 3 của dự thảo Luật đã chỉnh lý.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình như sau: Một số hành vi bị nghiêm cấm được áp dụng cho cả hai nhóm đối tượng nêu trên, nên việc thiết kế chung như dự thảo Luật là phù hợp. Với tên Luật và phạm vi điều chỉnh của Luật này chỉ liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam nên không cần thiết phải bổ sung cụm từ “trong xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam” vào tên Điều này. Hành vi “cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh” tùy theo mức độ có thể bị xử lý vi phạm hành chính gắn với hậu quả pháp lý là chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, nên cần thiết phải căn cứ vào ý thức chủ quan “cố ý” vi phạm của người làm thủ tục để cấm, nếu không sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyền công dân trong hoạt động này. Hành vi “qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định” sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính nên cần thiết phải đưa vào hành vi bị nghiêm cấm trong Luật này.
Bên cạnh đó, việc cấp hộ chiếu từ thông tin cung cấp sai sự thật (kể cả giả mạo hồ sơ giấy tờ) là do lỗi cố ý của người đề nghị cấp và thiếu sót của cơ quan cấp đã được bổ sung quy định tại khoản 1 và khoản 9 Điều này; đồng thời, hộ chiếu cấp trong trường hợp này sẽ bị thu hồi, hủy giá trị sử dụng theo quy định tại Điều 31 của dự thảo Luật đã chỉnh lý. Các trường hợp sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đã được bổ sung quy định cụ thể tại Điều 25 của dự thảo Luật. Việc sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ vào mục đích cá nhân là trái với quy định tại Điều 25 và thuộc hành vi bị nghiêm cấm đã được bổ sung tại khoản 4 Điều này. Khi công dân Việt Nam khi ra nước ngoài phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại và đã được thiết kế thành nghĩa vụ của công dân tại Điều 5 dự thảo Luật này. Các hành vi lợi dụng việc cấp các giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh của người cấp đã được quy định cụ thể tại khoản 8 Điều này. Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quyết định chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh đối với từng trường hợp cụ thể, nên người cấp giấy tờ xuất nhập cảnh không thể lợi dụng vấn đề này. Nếu cố tình cản trở công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này đã bị nghiêm cấm quy định tại khoản 8 Điều này. Nếu bổ sung các hành vi nghiêm cấm khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan sẽ bảo đảm tính bao quát, nhưng lại thiếu cụ thể, thiếu rõ ràng và khó thực hiện được ngay.
Về cấp hộ chiếu phổ thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình rõ, cách thiết kế các điều này như dự thảo Luật đã được chỉnh lý bảo đảm sự thống nhất, rõ ràng và thuận lợi trong việc thực hiện. Việc quy định thời hạn cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước như dự thảo Luật là kế thừa quy định hiện hành, phù hợp với các địa phương, vùng miền trên cả nước. Quy định thời hạn tính bằng số “ngày làm việc” bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện. Đối với trường hợp ra nước ngoài bị mất hộ chiếu và các giấy tờ tùy thân (chưa đủ căn cứ để cấp hộ chiếu phổ thông), dự thảo Luật đã bổ sung quy định về xác minh trước khi quyết định việc cấp hộ chiếu tại khoản 4 và khoản 5 Điều 16 của dự thảo Luật đã chỉnh lý. Các thông tin cụ thể về tờ khai và ảnh chân dung được thực hiện theo mẫu giao cho Bộ Công an ban hành (tại Điều 45), nên không đưa vào quy định cụ thể trong Luật này. Về thẩm quyền cấp hộ chiếu phổ thông, dự thảo Luật giao cho các cơ quan chức năng gồm: Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Còn người trực tiếp ký vào cuốn hộ chiếu là do cơ quan được Luật quy định giao nhiệm vụ, nên không quy định trong Luật này.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, việc quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thời gian cấp các loại hộ chiếu trong dự thảo Luật này là có sự kế thừa và đổi mới so với quy định hiện hành, thể hiện tính công khai, minh bạch, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm khi Luật có hiệu lực thì thực hiện được ngay. Việc giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được thể hiện trong các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, không nên bổ sung nội dung này vào Điều luật về điều khoản thi hành. Ngoài các nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiến hành rà soát tiếp thu, chỉnh lý các nội dung khác có liên quan và chỉnh lý kỹ thuật văn bản, sắp xếp lại các nội dung bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật và thuận lợi cho cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện./.
Theo quochoi.vn
Ý kiến bạn đọc