Phát huy vai trò hệ thống chính trị xã đặc biệt khó khăn Tiên Nguyên
BHG - Với điều kiện của một địa bàn miền núi đặc biệt khó khăn, xã Tiên Nguyên (Quang Bình) từng bước kiện toàn về tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng. Nhờ sự đổi mới, gần dân, sát dân và phát huy nội lực, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng cải thiện rõ nét.
Khác với nhiều địa phương của huyện, Tiên Nguyên có xuất phát điểm thấp từ trình độ dân trí cho đến cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư cho phát triển. Hơn nữa, xã có trên 90% dân số là đồng bào Dao đỏ, một số phong tục tập quán còn lạc hậu, kinh tế quy mô nhỏ, không tập trung và mang tính tự phát. Do đó, giải pháp giúp xã sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn là trăn trở được cấp ủy, chính quyền đặt ra liên tục qua các nhiệm kỳ. Đến Đại hội XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ xã mới tìm ra hướng đi với nhiều nội dung phát triển KT - XH toàn diện mang tính gợi mở, đột phá, trọng tâm, trọng điểm và rõ ràng hơn.
HTX Cao Nguyên, thôn Tân Tiến, xã Tiên Nguyên sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Shan tuyết. |
Trước hết, Đảng bộ xã xác định thực hiện chương trình trọng tâm về xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. Đây được coi là nhiệm vụ then chốt nhằm phát huy vai trò chủ chốt của đội ngũ cán bộ, đảng viên đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Hàng tháng, các đồng chí trong BTV, BCH, cán bộ xã phụ trách thôn xuống dự sinh hoạt cùng chi bộ, nắm bắt tình hình tại cơ sở. Đồng thời, chi bộ cũng giao từng đảng viên tham gia phụ trách nhóm hộ, xem cách thức làm kinh tế của mỗi “nóc nhà” để báo cáo trước cuộc họp. Tùy theo kế hoạch, trong 1 quý hay 6 tháng, xã giao ban với các tổ chức chính trị xã hội, xem xét các chỉ tiêu mà hội, đoàn thể đạt được, đề ra biện pháp thực hiện tiếp theo. Cách làm này đã góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên để họ thật sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy giúp dân trên trận tuyến giảm nghèo.
Nhờ sự chỉ đạo đúng hướng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các sản phẩm thế mạnh, như: Chè Shan tuyết, Thảo quả, lúa không ngừng tăng năng suất, sản lượng, trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường. Dù chưa nhiều, nhưng đến nay, toàn xã xây dựng được 7 mô hình điển hình tiên tiến về kinh tế, gồm: Thảo quả, ổi, bưởi, chế biến chè sạch, nuôi lợn thịt, nuôi trâu, nuôi gà. Cùng với đó, 1 cơ sở sản xuất gạch bê tông và 2 hợp tác xã (HTX) chế biến chè đã tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Hiện, với diện tích chè 816 ha, năng suất 38 tạ/ha, sản lượng 2.846 tấn/năm; trên 450 ha cấy lúa hàng năm; toàn xã có 2.827 con trâu; đàn lợn 5.200 con và dê 2.462 con… là động lực để đồng bào các dân tộc trong xã phấn đấu vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no.
Ông Hoàng Ngọc Thăng, Bí thư Chi bộ thôn Tân Tiến, cho biết: “Thôn có 121 hộ, với 468 khẩu. Năm 2019, thôn được lựa chọn làm điểm xây dựng Nông thôn mới và đang triển khai mạnh phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp”, hoàn thành 11/12 tiêu chí, 22/29 nội dung Nông thôn mới. Với quan điểm nâng cao mức thu nhập cho người dân, chúng tôi xác định phát triển 2 nhóm sở thích trồng trọt và kinh doanh; trong đó, ưu tiên chủ lực là trồng chè, lúa và chăn nuôi. Theo phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đảng viên đi đầu trong các phong trào, đặc biệt làm kinh tế giỏi, có 6/48 hộ đảng viên thu nhập đạt 100 triệu đồng/năm. Nêu gương người đứng đầu, bản thân tôi trồng 4 ha chè Shan tuyết hữu cơ kết hợp thành lập HTX Cao nguyên sản xuất, chế biến chè; giải quyết việc làm thời vụ cho 14 lao động, mức lương đạt 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi năm HTX thu mua 150 tấn chè búp tươi, sản xuất 70 tấn chè khô, lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng”.
Đồng chí Hoàng Văn Châm, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Nguyên, khẳng định: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa XX có 23 chỉ tiêu chủ yếu. Đến giữa nhiệm kỳ, có 4 chỉ tiêu vượt nghị quyết, 5 chỉ tiêu đạt 100%, 10 chỉ tiêu đạt trên 90%. Tuy nhiên, Đảng bộ thẳng thắn nhìn nhận, tính tiên phong của cán bộ, đảng viên chuyển biến chậm. Từ thực tiễn đó, cấp ủy xã tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh, chỉ đạo, phong cách làm việc của mỗi cán bộ, đảng viên “nói đi đôi với làm”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc