Giải Nobel Kinh tế 2014 sẽ là cuộc cách mạng đối với người tiêu dùng

07:58, 15/10/2014

Chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2014 Jean Tirole đã nghĩ ra các biện pháp giúp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm tốt hơn với giá thấp hơn.


Người tiêu dùng Mỹ có thể phải trả tiền truyền hình cáp và tiền internet ít hơn nếu như các nhà quản lý nghe theo sự hướng dẫn của chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2014 Jean Tirole trong lĩnh vực cạnh tranh ngành.

Ông Joshua Gans, giáo sư ngành quản lý của Đại học Toronto cho biết, các nhà quản lý đã không nghe theo lời khuyên của ông Tirole về việc đề nghị các công ty truyền hình cáp và điện thoại bán quyền truy cập “đường dây cuối” của mạng viễn thông và cáp quang cho đối thủ cạnh tranh của mình. Thay vào đó, các gã khổng lồ truyền thông như Comcast và Time Warner hiện vẫn đang quản lý “đường dây cuối” này.

Để kết nối mạng cho một ngôi nhà, công ty cạnh tranh tiềm tàng phải trả tiền để lắp đặt hệ thống cáp của chính mình. Điều này đã hạn chế sự cạnh tranh và khiến các nhà cung cấp viễn thông phải tính hóa đơn nhiều hơn. Theo giáo sư Gans, kết quả là người tiêu dùng Mỹ phải trả quá nhiều tiền cho truyền hình cáp và internet.

Chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2014 Jean Tirole (Ảnh AFP)

Ông Jean Tirole, giáo sư tại Trường Kinh tế Toulouse của Pháp, người từng tốt nghiệp tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts, là người Pháp thứ 3 đoạt giải Nobel cho lĩnh vực kinh tế với khoản tiền thưởng lên tới 1,1 triệu USD. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1999, một nhà kinh tế không phải là công dân Mỹ giành giải thưởng danh giá này.

Ông Tirole trả lời phỏng vấn trên trang Nobelprize.org cho biết: “Tôi cảm thấy hết sức ngạc nhiên và vinh dự. Tôi phải mất hơn nửa giờ đồng để bình tĩnh trở lại sau khi nhận được cuộc gọi từ Ủy ban Nobel”.

Giáo sư Tirole cùng người đồng nghiệp đã qua đời năm 2004 Jean-Jacques Laffont đã đóng góp nhiều công sức trong nghiên cứu về cạnh tranh. Ông David Warsh, một người quen của 2 nhà khoa học cho biết, nếu ông Laffont còn sống, chắc hẳn ông cũng sẽ được nhận giải thưởng Nobel cùng ông Tirole.

Giáo sư Tirole không phân loại đơn giản các quy định thành hai loại ủng hộ hoặc chống cạnh tranh. Thay vào đó, ông ủng hộ thiết lập thị trường tự do bởi “các doanh nghiệp hiểu biết nhiều hơn các nhà quản lý, do vậy các quy định về cạnh tranh nhất thiết không được tuyệt đối hóa”.

Ông Eric Maskin, nhà kinh tế của Đại học Harvard, người từng giảng dạy ông Tirole tại trường MIT và từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2007 cho biết: “Nhưng điều này không có nghĩa là loại bỏ các quy định. Chúng ta cần phải hết sức cẩn thận để không gây tổn hại đến thị trường”.

Tại cuộc họp ngày 13/10, ông Tirole nói: “Thị trường đòi hòi một nhà nước hoạt động bình thường. Nếu không được kiểm soát, các công ty có ít đối thủ cạnh tranh. Nhưng việc cố gắng nhằm kiểm soát thị trường có thể sẽ thất bại. Các công ty thường phát triển trong tầm kiểm soát của các cơ quan Chính phủ để các tổ chức này có thể giám sát các hoạt động ngăn chặn đối thủ cạnh tranh”.

Nghiên cứu của giáo sư Tirole tập trung vào ngành viễn thông và tài chính. Ông Tirole đã nghĩ ra biện pháp để dung hòa lợi ích của các công ty với người tiêu dùng, qua đó giúp các nhà sản xuất cung cấp sản phẩm tốt hơn với giá thấp hơn.

Ông Tirole là nhà kinh tế thứ 2 của Pháp được vinh danh trong năm nay. Trước đó, ông Thomas Piketty đã trở nên nổi tiếng nhờ cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ 21” khi ông nghiên cứu dữ liệu trong vòng 300 năm qua về khoảng cách giàu nghèo. Cuốn sách của ông Piketty được dựa trên nghiên cứu mà ông đã tiến hành với nhà kinh tế học Emmanuel Saez.

Giải Nobel kinh tế của giáo sư Tirole là giải Nobel thứ 2 mà nước Pháp giành được trong năm nay, sau khi giải thưởng Nobel văn học được trao cho nhà văn Patrick Modiano.

Trên trang Twitter cá nhân, Thủ tướng Pháp Manuel Valls viết: “Sau Patrick Modiano, một người Pháp khác đã được vinh danh. Một niềm vinh dự của nước Pháp”.

Một buổi lễ ăn mừng đã diễn ra bên bờ kia của Đại Tây Dương tại trường Đại học MIT, nơi ông Tirole tốt nghiệp đại học vào năm 1981 và tham gia giảng dạy tại đây 3 lần mỗi năm.

Nancy Rose, giáo sư trường MIT đã quen biết với ông Tirole suốt 3 thập kỷ cho biết: “Tôi rất vui mừng cho ông Jean. Đây là một giải thưởng mà chúng tôi tự tin sẽ giành được”.

“Ông ấy vô cùng rộng rãi. Ông ấy không ích kỷ”, ông Bengt Holmstrom nói thêm. “Ông ấy luôn luôn tìm cách để giúp Chính phủ tốt hơn”.

Giải thường Nobel Kinh tế 2014 được trao vào ngày 13/10 vừa qua. Trước đó, các giải thưởng Nobel hòa bình, văn học, hóa học, vật lý và y học đã được trao vào tuần trước.

Những người chiến thắng sẽ được trao chính thức vào ngày 10/12 nhân kỷ niệm ngày mất của người sáng lập giải thưởng Alfred Nobel vào năm 1896./.

Mặc dù, giải thưởng Nobel Kinh tế ban đầu không được trao, tuy nhiên, sau đó Ngân hàng Trung ương Thụy Điển quyết định đưa lĩnh vực này vào danh mục giải thưởng từ năm 1968.


Nguồn: VOV.VN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắt đầu đánh giá học sinh tiểu học theo cách mới
Từ hôm nay 15-10, tất cả các trường tiểu học trên cả nước chính thức áp dụng cách đánh giá mới theo quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT.
15/10/2014
Tổng thư ký LHQ yêu cầu Israel ngừng khiêu khích Palestine
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 13/10 lên tiếng cảnh báo về những "hành động khiêu khích" tại các địa điểm linh thiêng ở Jerusalem đồng thời lên án hoạt động xây dựng khu định cư của Israel và kêu gọi nối lại hòa đàm với người Palestine.
15/10/2014
LHQ cáo buộc cố vấn Tổng thống Somalia dính líu khủng bố
Hãng tin Reuters ngày 13/10 dẫn một báo cáo mật cho biết các điều tra viên Liên hợp quốc (LHQ) đã cáo buộc cố vấn của Tổng thống Somalia, ông Musa Haji Mohamed Ganjab dính líu hoạt động tuồn lậu vũ khí của chính phủ nước này cho các phiến quân Hồi giáo có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.
14/10/2014
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xuất hiện sau hơn 1 tháng
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 14/10 đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã xuất hiện công khai lần đầu tiên trong hơn 1 tháng qua khi ông tới thăm và có “ý kiến chỉ đạo” tại một khu nhà ở mới được xây dựng ở Quận Wisong.
14/10/2014