Xy-ri trước nguy cơ xung đột vũ trang toàn diện
Tình hình bạo loạn tại Xy-ri đang tiến gần hơn tới một cuộc xung đột vũ trang toàn diện khi riêng trong ngày 17-10 có tới 41 người bị sát hại, trong đó có nhiều dân thường và binh sĩ chính phủ, trong cuộc đụng độ đẫm máu giữa lực lượng quân đội với những quân nhân đào ngũ.
AFP cho hay, cuộc đụng độ xảy ra tại thành phố "điểm nóng" Hôm-xơ, miền Trung Xy-ri, khi chính phủ của Tổng thống Ba-sa An Át-xát (Bashar al-Assad) sử dụng xe tăng để tăng cường hoạt động trấn áp lực lượng chống đối. Ngoài những người bị thiệt mạng trong các cuộc đọ súng, các tay súng là những quân nhân đào ngũ còn cho phát nổ một quả bom điều khiển từ xa khi một xe quân sự đi qua khu Ê-xem, khiến một sĩ quan và ba binh sĩ thiệt mạng, nhiều người bị thương.
Giới phân tích quốc tế cảnh báo, nếu tình trạng bạo động ở Xy-ri kéo dài, thì càng có nguy cơ các nhóm đối lập Xy-ri cầm vũ khí vùng lên. Theo Giám đốc Cao ủy LHQ về Nhân quyền Nây-vi Pi-lay (Navi Pillay), hơn 3000 người Xy-ri, trong đó có 187 trẻ em, bị sát hại trong các cuộc xung đột kéo dài 7 tháng qua giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh Xy-ri. Ông Pi-lây cuối tuần trước đã cảnh báo Xy-ri có nguy cơ “lâm vào một cuộc nội chiến nghiêm trọng”.
Trong khi đó, hãng thông tấn MENA của Ai Cập ngày 17-10 đưa tin, phe đối lập Xy-ri ở Ai Cập đã phản đối quyết định đưa ra một ngày trước đó của Liên đoàn A-rập (AL) kêu gọi tất cả các bên trong và ngoài Xy-ri tổ chức đối thoại dân tộc tại trụ sở AL ở Cai-rô. Người phát ngôn phe đối lập Xy-ri ở Ai Cập cho rằng, quyết định của AL là “vô ích” và chỉ có lợi cho Chính phủ Xy-ri.
Tình trạng bất ổn tại Xy-ri bắt đầu diễn ra từ ngày 15-3 và liên tục gia tăng trong thời gian qua. Được truyền cảm hứng từ phong trào Mùa xuân A-rập, những người biểu tình ở Xy-ri đòi Tổng thống Át-xát từ chức. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo 46 tuổi từ chối yêu cầu này và thẳng tay trấn áp các cuộc biểu tình, khiến Xy-ri chìm trong bạo lực và đứng bên bờ một cuộc nội chiến.
Theo các nhà phân tích, hiện tìm một giải pháp cho Xy-ri không phải là điều đơn giản. Sự trung gian hòa giải của quốc tế là chưa đủ. Xy-ri hiện đang rơi vào cuộc chiến tranh triệt tiêu lực lượng lẫn nhau giữa Chính phủ và lực lượng chống đối mà rất khó có bên nào giành chiến thắng. Hơn nữa, Xy-ri có sự phân chia về sắc tộc rất nhạy cảm khiến cho nội chiến trở thành kịch bản dễ xảy ra nhất. Trong khi đó, Xy-ri có vị trí địa chính trị quan trọng ở Trung Đông, tiếp giáp với 5 quốc gia và đều có sự giao thoa về tôn giáo và dân tộc thiểu số. Chính vì thế, một Xy-ri bất ổn sẽ chắc chắn dẫn tới một sự bất ổn lan rộng ra khắp khu vực. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự can dự của nước ngoài, đặc biệt là các nước trong khu vực, có thể biến cuộc nổi dậy ở Xy-ri, từ một sự kiện nội bộ trở thành một cuộc xung đột khu vực.
Ý kiến bạn đọc