QUAN HỆ LÁNG GIỀNG HỮU NGHỊ, HỢP TÁC TOÀN DIỆN VIỆT NAM-CAMPUCHIA BỀN VỮNG LÂU DÀI
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tại Saudi Arabia, ngày 20/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet. |
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet, Thủ tướng Vương quốc Campuchia, thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11 đến 12/12/2023. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Hun Manet trên cương vị mới. Diễn ra trong bối cảnh quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam-Campuchia tiếp tục phát triển tích cực, chuyến thăm góp phần củng cố tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Đoàn xe diễu hành vận động tranh cử của CPP trên đường phố ở thủ đô Phnom Penh, tháng 7/2023. |
Nhằm hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050, Chính phủ nhiệm kỳ mới của Campuchia do Thủ tướng Hun Manet dẫn dắt đang tích cực triển khai Chiến lược Ngũ giác với 5 ưu tiên cốt lõi, gồm: phát triển nguồn nhân lực; đa dạng hóa kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển khu vực tư nhân và việc làm; phát triển bền vững; phát triển kinh tế-xã hội số.
Việc chuyển sang nền kinh tế thị trường từ năm 1993 là thành quả quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Campuchia. Từ năm 2012 đến trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tăng trưởng GDP của Campuchia đạt trung bình trên 7%/năm. Dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song sau khi chính thức mở cửa trở lại vào cuối năm 2021, kinh tế Campuchia có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Năm 2022, kim ngạch thương mại đạt 52,43 tỷ USD, tăng 9,19% so với năm 2021; kinh tế tăng trưởng ở mức 5,2%. Trong nửa đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại của Campuchia đạt 23,69 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm nay, đất nước chùa tháp thu hút được hơn 3 triệu lượt du khách quốc tế. Tăng trưởng kinh tế Campuchia năm 2023 ước đạt khoảng 5,5%.
Ông Hun Manet phát biểu tại phiên họp sau khi được Quốc hội tín nhiệm giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ VII. |
Về đối ngoại, Campuchia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 nước, có quan hệ thương mại với khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Campuchia chú trọng quan hệ với các nước lớn, các nước tài trợ, láng giềng và đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế. Campuchia là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn, cơ chế hợp tác quốc tế, khu vực và tiểu vùng, như Liên Hợp quốc, ASEAN, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC)...
Dưới sự dẫn dắt của Chính phủ do Thủ tướng Hun Manet đứng đầu, Campuchia sẽ giành được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh, có vai trò và vị thế ngày càng cao ở khu vực và trên thế giới.
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC tại Saudi Arabia, ngày 20/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet. |
THÀNH QUẢ HỢP TÁC TOÀN DIỆN
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng, cùng thuộc vùng hạ lưu sông Mekong. Hai nước đã luôn kề vai sát cánh trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như xây dựng đất nước ngày nay.
Với phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Quan hệ Việt Nam-Campuchia thời gian qua tiếp tục phát triển sâu rộng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Quan hệ chính trị được duy trì vững chắc, giữ vai trò nòng cốt định hướng quan hệ hai nước.
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan, ngày 5/9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc ăn sáng làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Manet. |
Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc và trao đổi dưới nhiều hình thức. Hai bên đã tổ chức thành công cuộc gặp giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Thường vụ Đảng Nhân dân Campuchia (CPP). Việt Nam, Campuchia và Lào phối hợp tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa ba lãnh đạo đứng đầu ba đảng tại Hà Nội, cuộc ăn sáng làm việc giữa ba thủ tướng ba nước nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Indonesia.
Quan hệ giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước được duy trì. Các cơ chế hợp tác song phương quan trọng, như Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật, Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới…, được tổ chức định kỳ và tiếp tục phát huy hiệu quả. Qua đó, hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu.
Trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, thân tình, hữu nghị, tại các cuộc gặp, tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai nước thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, cũng như bày tỏ vui mừng về những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam-Campuchia. Đây là dịp để hai bên tăng cường sự tin cậy chính trị và trao đổi về phương hướng nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong cả khuôn khổ song phương và đa phương.
Chiều 7/4/2023, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia Chea Kimtha tới chào nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam. |
Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh giữa hai nước tiếp tục được thúc đẩy, ngày càng chặt chẽ và thực chất, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển ở mỗi nước.
Việt Nam và Campuchia có đường biên giới đất liền dài 1.258km. Nhằm thúc đẩy xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, hai bên đã ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền và đang nỗ lực đàm phán giải quyết 16% còn lại.
Hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 10,57 tỷ USD, tăng khoảng 10,88% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 7,1 tỷ USD.
Việt Nam đứng đầu trong ASEAN và nằm trong nhóm năm nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD.
Những thành quả hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của mỗi nước. Hai bên đều nhận định rằng, còn nhiều dư địa để tăng cường hợp tác kinh tế hơn nữa.
Kỳ họp lần thứ 20 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật diễn ra vào ngày 21/3/2023. |
Các lĩnh vực hợp tác, như giáo dục, đào tạo, giao thông, vận tải, văn hóa, y tế, viễn thông... cũng được hai nước quan tâm, đẩy mạnh. Hằng năm, Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia sang học tại Việt Nam và số lượng sinh viên Việt Nam sang học tập tại Campuchia ngày càng nhiều. Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn bác sĩ tình nguyện sang khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân Campuchia.
Nhằm tiếp nối những thành quả đã đạt được trong Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022 kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hai bên tăng cường kết nối nhân dân hai nước nhằm bồi đắp tình hữu nghị. Hoạt động ngoại giao nhân dân của mặt trận, nhóm nghị sĩ hữu nghị, hội hữu nghị, các tổ chức đoàn thể, quần chúng của hai nước, nhất là tại các tỉnh biên giới diễn ra sôi nổi và rộng khắp, góp phần nâng cao sự hiểu biết của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, hai nước phối hợp chặt chẽ, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới, đồng thời góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước trên trường quốc tế.
“Tôi cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Hun Manet đến Việt Nam lần này sẽ góp phần rất quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ 'láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài' giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau, đưa quan hệ Việt Nam-Campuchia lên tầm cao mới.” |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet. |
Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ mới, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã có nhiều cuộc gặp trực tiếp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam nhân dịp tham dự các hội nghị, diễn đàn khu vực và quốc tế. Chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Hun Manet sau khi Campuchia thành lập Chính phủ thể hiện sự coi trọng của Campuchia với mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước.
Việt Nam tin tưởng Chính phủ do Thủ tướng Hun Manet đứng đầu tiếp tục xây dựng đất nước Campuchia hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh, có vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao ở khu vực và trên thế giới. Lời mời Thủ tướng Campuchia Hun Manet thăm chính thức tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Campuchia.
Theo Nhân Dân Điện tử
Ý kiến bạn đọc