WHO cảnh báo không tiêm trộn vaccine Covid-19

07:44, 13/07/2021

WHO khuyến cáo các nước không vội vàng tiêm trộn các loại vaccine khác nhau khi chưa có đủ dữ liệu khoa học chứng minh hiệu quả.

Nhân viên y tế tiêm mũi vaccine Pfizer cho một phụ nữ ở thủ đô Paris, Pháp.
Nhân viên y tế tiêm mũi vaccine Pfizer cho một phụ nữ ở thủ đô Paris, Pháp.

Thế giới đã ghi nhận 188.019.818 ca nhiễm nCoV và 4.055.117 ca tử vong, tăng lần lượt 364.672 và 5.967, trong khi 171.970.179 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khuyến nghị không nên tiêm trộn các loại vaccine Covid-19 của những nhà sản xuất khác nhau, cho rằng đây là "xu hướng nguy hiểm" vì chưa rõ tác động tới sức khỏe.

"Đó là xu hướng nguy hiểm. Chúng ta chưa có dữ liệu và bằng chứng về khả năng kết hợp chúng. Tình huống hỗn loạn sẽ xảy ra ở các quốc gia nếu người dân bắt đầu quyết định thời điểm và đối tượng tiêm liều vaccine thứ hai, thứ ba hay thứ tư", bà Swaminathan nói trong buổi họp báo ngày 12/7.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng kêu gọi các nước không vội vàng đặt hàng và triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường cho người đã tiêm chủng, trong bối cảnh nhiều nước khác chưa có vaccine.

"Một số quốc gia và khu vực đang đặt hàng triệu liều tăng cường trước khi những nước khác có đủ vaccine cho nhân viên y tế và nhóm dễ tổn thương nhất của họ. Thay vì ưu tiên sử dụng Moderna và Pfizer như liều tăng cường ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao, chúng tôi cần họ dốc toàn lực cho Covax, nhóm phụ trách nguồn cung vaccine cho châu Phi, các nước có thu nhập thấp và trung bình có tỷ lệ tiêm chủng thấp", ông nói.

Covax cho biết đã ký hai thỏa thuận đặt hàng vaccine với hai nhà sản xuất Trung Quốc là Sinpharm và Sinovac để cung cấp tới 550 triệu liều vaccine cho các nước nghèo.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.754.135 ca nhiễm và 622.967 ca tử vong do nCoV, tăng 9.021 ca nhiễm và 81 ca tử vong so với một ngày trước đó.

Trong chương trình CBS This Morning hôm 12/7, tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, gọi biến thể Delta là chủng nguy hiểm của nCoV. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, ít nhất 5 bang ở Mỹ gồm Florida, Louisiana, Arkansas, Missouri và Nevada, ghi nhận làn sóng ca nhiễm mới tăng trở lại.

Ông cho biết số lượng người Mỹ chưa tiêm chủng "thực sự đáng lo ngại". Tuần trước, Fauci cho biết 99% ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ trong tháng 6 thuộc về nhóm chưa tiêm chủng. 55,3% người Mỹ đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine, trong đó 47,8% đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 12/7 cảnh báo về "nguy cơ gia tăng" chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp, Hội chứng Guillain-Barre (GBS), sau khi tiêm vaccine Johnson & Johnson.

Dựa trên phân tích của hệ thống giám sát an toàn vaccine liên bang, giới chức FDA ghi nhận 100 trường hợp báo cáo sơ bộ về GBS trong tổng số 12,5 triệu liều vaccine Johnson & Johnson đã triển khai. Trong số này, 95 người phải nhập viện vì triệu chứng nghiêm trọng. Một trường hợp đã tử vong.

Cảnh báo của FDA thêm rằng ở hầu hết mọi người, các triệu chứng sẽ bắt đầu trong vòng 42 ngày sau tiêm và "khả năng xảy ra nguy cơ này rất thấp". Tin tức mới về rủi ro sau tiêm được xem là đòn giáng mạnh đối với Johnson & Johnson, công ty đã được cấp phép sử dụng vaccine Covid-19 vào tháng 2.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 30.901.311 ca nhiễm và 409.287 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 27.404 và 495 ca.

Kế hoạch triển khai vaccine Sputnik V của Ấn Độ đang đình trệ do thiếu nguồn cung từ nhà sản xuất Nga. Giới chức Ấn Độ cho biết nước này đã nhận được khoảng ba triệu liều đầu tiên vào ngày 1/6 và khoảng 360.000 liều thứ hai vào đầu tháng này.

Ấn Độ dự kiến có khoảng 100 triệu liều vaccien Sputnik V, gồm cả nhập khẩu và sản xuất trong nước, trong khoảng từ tháng 8 tới tháng 12. Khoảng 1/3 trong số 944 triệu người trưởng thành của Ấn Độ đã tiêm ít nhất một liều vaccine.

Anh, vùng dịch thứ 7 thế giới, báo cáo 34.471 ca nhiễm và 6 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca Covid-19 lên lần lượt 5.155.243 và 128.431.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ngày 12/7 xác nhận Anh vẫn giữ nguyên lộ trình dỡ bỏ toàn bộ biện pháp hạn chế Covid-19 vào ngày 19/7, bất chấp số ca nhiễm mới tăng theo gấp đôi trong 11 ngày qua.

"Với những người hỏi tại sao phải làm vậy bây giờ, tôi sẽ nói không lúc này thì bao giờ? Đơn giản là chúng ta không thể xóa sổ virus, cho dù muốn hay không", Javid nói.

Bộ trưởng Y tế Anh nói thêm kỳ nghỉ hè sắp tới của các trường học chính là thời điểm thích hợp để dỡ bỏ hạn chế trước khi đông tới. Ông nói "bức tường vaccine" sẽ giúp họ có thể chống chọi với làn sóng mùa hè.

Javid gọi đây là "quyết định trách nhiệm nhất mà chúng tôi có thể đưa ra".

Ông cho biết biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn, nhưng hai liều vaccine dương như hiệu quả chống lại nguy cơ nhập viện. Javid thêm rằng Anh có thể ghi nhận 100.000 ca nhiễ vào cuối hè, nhưng quốc gia này đang trên đường đạt những mục tiêu tiêm chủng của mình.

Hà Lan đã ghi nhận 1.736.879 ca nhiễm và 17.766 ca tử vong vì Covid-19, sau khi báo cáo thêm lần lượt 8.441 người nhiễm và một người chết.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 12/7 lên tiếng xin lỗi vì đã nới lỏng hạn chế quá sớm, dẫn tới làn sóng ca nhiễm tăng mạnh trở lại.

Hai tuần sau khi thông báo dỡ bỏ, Hà Lan đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế đối với quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm. Cụ thể, nhà hàng và quán bar không được mở cửa từ nửa đêm tới 6h sáng, trong khi câu lạc bộ đêm bị đóng cửa hoàn toàn.

"Những gì chúng tôi nghĩ là có thể hóa ra lại không thể thực hiện trong thực tế. Chúng tôi đã có đánh giá yếu kém và đó là điều khiến chúng tôi hối tiếc và phải nói lời xin lỗi", Rutte nói.

Số ca nhiễm ở Hà Lan những ngày gần đây đã tăng lên mức kỷ lục của năm nay, song chủ yếu là người trẻ tuổi. Bộ trưởng Y tế Hugo de Jonge cho biết đợt bùng phát này chưa dẫn tới số ca nhập viện tăng, nhưng cảnh báo điều này có thể thay đổi nếu làn sóng gia tăng tiếp tục.

Tại Đông Nam Á, Indonesia tiếp tục ghi nhận ca nhiễm Covid-19 kỷ lục trong ngày 12/7 với 40.427 người, đồng thời báo cáo thêm 891 người chết. Tới nay, quốc gia này ghi nhận hơn 2,5 triệu ca nhiễm và 67.335 ca tử vong, mức cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Chính quyền Indonesia đã trục xuất bốn du khách nước ngoài khỏi Bali vì vi phạm biện pháp hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt của hòn đảo, giữa lúc quốc gia này đối phó với đợt bùng phát chết chóc nhất. Trong đó, ba du khách đến Mỹ, Nga, Ireland không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, và một phụ nữ Nga từ chối cách ly dù dương tính với nCoV.

Đây là bốn người nước ngoài đầu tiên bị trục xuất khỏi Indonesia vì lý do này.

Thái Lan trong 24 giờ qua báo cáo thêm 8.656 ca nhiễm và 80 ca tử vong, nâng tổng số ca Covid-19 của nước này lên lần lượt 345.027 và 2.791 trường hợp.

Giới chức Thái Lan ngày 12/7 ban bố lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 21h hôm trước đến 4h hôm sau, đồng thời dựng lên 145 chốt kiểm soát tại 10 tỉnh có nguy cơ cao, trong đó 88 điểm tại Bangkok, để ngăn hoạt động đi lại không thiết yếu. Nhiều hãng hàng không Thái Lan đã phải hủy hoặc cắt giảm các chuyến bay nội địa.

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết sẽ sử dụng vaccine AstraZeneca để tiêm liều thứ hai cho những người đã tiêm một liều Sinovac. Nếu được thực hiện, đây sẽ là đợt tiêm trộn công khai đầu tiên giữa vaccine của Trung Quốc và vaccine của phương Tây.

"Điều này nhằm cải thiện khả năng chống biến thể Delta và xây dựng mức độ miễn dịch cao đối với dịch bệnh", ông Charnvirakul nói.

Thông báo được đưa ra một ngày sau khi Bộ Y tế Thái Lan báo cáo 618 người trong tổng số hơn 677.000 nhân viên y tế được tiêm hai liều Sinovac bị nhiễm nCoV từ tháng 4 tới tháng 7. Một y tá đã tử vong và một nhân viên y tế khác trong tình trạng nguy kịch.

Thái Lan cũng có kế hoạch tiêm tăng cường vaccine mRNA cho nhân viên y tế đã tiêm hai mũi Sinovac.

Theo vnexpress.net


Cùng chuyên mục

Israel có thể phải hủy gần 800.000 liều vaccine Pfizer
Bộ Y tế Israel sẽ tiêu hủy ít nhất 800.000 liều vaccine Pfizer nếu không tìm được người mua trong vòng 2 tuần tới, một kênh truyền hình đưa tin. Số liều vaccine Pfizer này sắp hết hạn vào cuối tháng 7 và trị giá hàng trăm triệu USD, theo kênh truyền hình Kan.
 

 

30/06/2021
Campuchia thêm 883 ca mắc, 16 ca tử vong do COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, số ca mắc mới và số ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây tại Campuchia không có dấu hiệu giảm đi, thậm chí còn đang tiến sát tới ngưỡng cao 900 ca một ngày, với ngày càng nhiều ca lây nhiễm ngoài thủ đô Phnom Penh và các ca nhập cảnh.

29/06/2021
Indonesia tăng kỷ lục hơn 21.000 ca nhiễm Covid-19

Indonesia tăng hơn 21.000 ca nhiễm mới Covid-19, cao kỷ lục từ khi dịch bùng phát, trong bối cảnh các bệnh viện ở nước này đang trở nên quá tải. Giới chức y tế Indonesia thông báo ghi nhận 21.342 ca nhiễm mới nCoV hôm 27/6, nâng tổng ca nhiễm toàn quốc vượt 2,1 triệu người. Nước này cũng tăng 409 ca tử vong vì Covid-19 chỉ sau một đêm, khiến số người chết vượt 57.000.

28/06/2021
Ấn Độ ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Delta Plus

Giữa bối cảnh các biến thể không ngừng xuất hiện và ngày càng nguy hiểm hơn, nhiều nước đã chuyển hướng chiến lược sang yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

26/06/2021