Hà Giang

Hơn một nửa dân số châu Âu đã hoàn thành tiêm vaccine

10:40, 12/07/2021

Theo báo cáo công bố ngày 22/7 của EU, hơn 200 triệu người dân châu Âu đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm hơn một nửa dân số trưởng thành.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Saint-Maur-des-Fossés, ngoại ô Paris, Pháp.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Saint-Maur-des-Fossés, ngoại ô Paris, Pháp.

Hơn một nửa số người trưởng thành ở châu Âu đã được tiêm chủng đầy đủ. Đây là thông báo của Liên minh châu Âu (EU) cập nhật về tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu và châu Á phải đối mặt với các đợt bùng phát dịch mới mà nguyên nhân được cho là do biến thể Delta, với tốc độ lây nhiễm nhanh chiếm đa số các ca nhiễm mới.

Theo báo cáo công bố ngày 22/7 của EU, hơn 200 triệu người dân châu Âu đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm hơn một nửa dân số trưởng thành. Tuy nhiên con số trên vẫn thấp so với mục tiêu 70% đặt ra cho mùa Hè này.

Số liệu trên được đưa ra trong bối cảnh Thủ Tướng Angela Merkel kêu gọi thêm nhiều người Đức hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng khi số ca mắc mới COVID-19 ở Đức đang ở mức báo động.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Berlin, bà Merkel nói: "Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân."

Đức đã ghi nhận tỷ lệ mắc mới là 12,2 ca /100.000 người dân trong 7 ngày qua - cao hơn gấp đôi tỷ lệ này hồi đầu tháng 7.

Trước bối cảnh số ca mắc mới tại châu Âu tăng mạnh trở lại, trong tuần này, Pháp đã đề ra những quy định mới, theo đó yêu cầu những người tham gia các sự kiện trên 50 người phải có giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine, coi đây như giấy thông hành sức khỏe.

Theo lộ trình, quy định này sẽ được áp dụng cho cả người đi nhà hàng, vào quán cà phê hay trung tâm mua sắm kể từ tháng 8 tới. Pháp đã ghi nhận hơn 21.000 ca mắc mới COVID-19 ngày 21/7, mức cao nhất kể từ đầu tháng 5/2021.

Italy ngày 22/7 cũng thông báo hộ chiếu vaccine sẽ là quy định bắt buộc đối với những người muốn vào quán bar, nhà hàng, hồ bơi, trung tâm thể thao, bảo tàng và rạp chiếu phim kể từ ngày 6/8.

Các ca lây nhiễm cũng đang tăng mạnh trở lại ở Anh, quốc gia dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế để chống dịch trong tuần này. Các siêu thị ở Anh đã cảnh báo tình trạng thiếu lương thực có thể xảy ra do nhân viên bị buộc phải tự cách ly.

Liên quan đến tình hình kinh tế, Giám đốc ECB Christine Lagarde đã cảnh báo về sự bất ổn kinh tế ngày càng tăng do biến thể Delta gây ra.

Bà Lagarde nói: "Nền kinh tế Khu vực đồng euro đang phục hồi mạnh mẽ, nhưng sau thời gian đóng cửa do biến thể Delta lây lan nhanh có thể sẽ làm giảm đà phục hồi trong các ngành dịch vụ, đặc biệt là các ngành du lịch và khách sạn"./.

Theo vietnamplus.vn


Cùng chuyên mục

Israel có thể phải hủy gần 800.000 liều vaccine Pfizer
Bộ Y tế Israel sẽ tiêu hủy ít nhất 800.000 liều vaccine Pfizer nếu không tìm được người mua trong vòng 2 tuần tới, một kênh truyền hình đưa tin. Số liều vaccine Pfizer này sắp hết hạn vào cuối tháng 7 và trị giá hàng trăm triệu USD, theo kênh truyền hình Kan.
 

 

30/06/2021
Campuchia thêm 883 ca mắc, 16 ca tử vong do COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, số ca mắc mới và số ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây tại Campuchia không có dấu hiệu giảm đi, thậm chí còn đang tiến sát tới ngưỡng cao 900 ca một ngày, với ngày càng nhiều ca lây nhiễm ngoài thủ đô Phnom Penh và các ca nhập cảnh.

29/06/2021
Indonesia tăng kỷ lục hơn 21.000 ca nhiễm Covid-19

Indonesia tăng hơn 21.000 ca nhiễm mới Covid-19, cao kỷ lục từ khi dịch bùng phát, trong bối cảnh các bệnh viện ở nước này đang trở nên quá tải. Giới chức y tế Indonesia thông báo ghi nhận 21.342 ca nhiễm mới nCoV hôm 27/6, nâng tổng ca nhiễm toàn quốc vượt 2,1 triệu người. Nước này cũng tăng 409 ca tử vong vì Covid-19 chỉ sau một đêm, khiến số người chết vượt 57.000.

28/06/2021
Ấn Độ ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Delta Plus

Giữa bối cảnh các biến thể không ngừng xuất hiện và ngày càng nguy hiểm hơn, nhiều nước đã chuyển hướng chiến lược sang yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

26/06/2021