Ấn Độ ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Delta Plus
Giữa bối cảnh các biến thể không ngừng xuất hiện và ngày càng nguy hiểm hơn, nhiều nước đã chuyển hướng chiến lược sang yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Ấn Độ ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Delta Plus |
Ấn Độ vừa ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do biến chủng Delta Plus. Cùng với biến chủng Delta trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng cảnh báo đối với biến thể này lên mức “đáng quan tâm” khi có thể kích hoạt làn sóng lây nhiễm mới nghiêm trọng, dễ dàng tấn công những đối tượng dân cư dễ bị tổn thương hơn.
Cơ quan y tế bang Maharashtra vừa thông báo trường hợp tử vong đầu tiên do biến thể Delta Plus là một phụ nữ 80 tuổi. Chính quyền bang đã ngay lập tức nâng mức cảnh báo lên cấp 3 đối với toàn bộ Maharashtra, đồng nghĩa với những biện pháp hạn chế rộng rãi và nghiêm ngặt hơn.
Sự xuất hiện của Delta Plus và trước đó là Delta cho thấy virus SARS-CoV-2 gây ra Covid-19 đang tiếp tục đột biến theo cơ chế tồn tại và tạo ra các chủng khác nhau. Dù ngoài Ấn Độ, các ca mắc biến thể Delta Plus mới chủ được phát hiện với số lượng lẻ tẻ tại Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Ba Lan, Nepal, Trung Quốc và Nga, song các chuyên gia lo ngại rằng biến thể này có thể kích hoạt làn sóng lây nhiễm mới nghiêm trọng khi khi dễ dàng tấn công những đối tượng dân cư dễ bị tổn thương hơn.
Những nghiên cứu ban đầu cho thấy, biến thể Delta Plus dễ lây lan hơn do khả năng xâm nhập và lây nhiễm các tế bào hiệu quả hơn, độc lực cao hơn, lây truyền dễ dàng hơn và bám chặt hơn vào các thụ thể của tế bào phổi. Đặc biệt, biến thể này có thể làm giảm đáng kể phản ứng của các kháng thể đơn dòng của cơ thể, đồng nghĩa với khả năng kháng điều trị cao hơn và do đó có nguy cơ gây chết người cao hơn so với các chủng trước đó. Tuy nhiên, những loại vaccine đang được lưu hành hiện này đều có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch rộng rãi trong cơ thể, do đó vẫn đảm bảo cung cấp một số biện pháp bảo vệ nhất định trước biến chủng Delta Plus.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Như chúng tôi đã nói, virus sẽ còn tiếp tục đột biến, nhưng chúng ta có thể ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể bằng cách ngăn chặn sự lây truyền. Chúng ta phải sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để ngăn chặn lây truyền: sử dụng phù hợp và nhất quán các biện pháp y tế công cộng và xã hội, kết hợp với tiêm chủng công bằng”.
Lo ngại tốc độ lây nhiễm của các biến thể này sẽ đánh bại các nỗ lực phòng chống dịch, nhiều nước đã triển khai các chiến lược vaccine linh hoạt hơn để tăng hiệu quả miễn dịch cũng như đối phó với sự thiếu hụt nguồn cung. Một số nước như Nga, Anh, Philippines hay Campuchia ban hành quy định tiêm phòng bắt buộc đối với một số đối tượng, trong đó có công nhân hay những người làm trong các văn phòng chính phủ, dịch vụ bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục hay nhà hàng. Trong khi một số khác như Đức, Tây Ban Nha, Anh, Canada, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan đang tìm hiểu và thử nghiệm tiêm hai mũi vaccine là hai loại khác nhau để nâng cao tỷ lệ ngừa SARS-CoV-2, cũng như đối phó với sự khan hiếm nguồn cung.
Ủy viên châu Âu về y tế Stella Kyriakides cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình trước sự lây lan mạnh của biến thể Delta, phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ. Điều quan trọng và thông điệp mà tôi muốn gửi đi là 4 loại vaccine được Cơ quan Dược phẩm châu Âu phê duyệt đều an toàn và hiệu quả chống lại biến thể Delta. Vì vậy, chúng ta phải đảm bảo rằng công dân của tất cả các nước thành viên phải được tiêm chủng đầy đủ càng sớm càng tốt để đạt được mức bảo vệ cần thiết trước bất kỳ biến thể tiềm ẩn nào”.
Song song với việc nhập khẩu, một số quốc gia có khả năng cũng tìm cách nâng cao năng lực tự chủ vaccine như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Trong khi Trung Quốc, với 2 loại vaccine được sản xuất nội địa đặt khẩu hiệu “sẵn sàng tiêm cho tất cả những ai có thể”, thì Hàn Quốc hi vọng có thể đưa những liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên vào chương trình tiêm chủng quốc gia ngay cuối năm nay./.
Theo vov.vn