Chính phủ Nepal tối 25/4 đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại các khu vực bị ảnh hưởng sau thảm họa động đất mạnh 7,8 độ richter vừa xảy ra. Trong khi đó, con số nạn nhân thiệt mạng đang tăng nhanh từng giờ không chỉ tại Nepal mà còn ở các nước xung quanh như Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.
Theo thông tin mới nhất, có gần 1.000 nạn nhân thiệt mạng, gần 2.000 người khác bị thương. Trong số các nạn nhân thiệt mạng, có 34 người tại Ấn Độ, 5 người tại Tây Tạng, Trung Quốc và hai người tại Bangladesh.
Giới chức Trung Quốc tối cùng ngày cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp thảm họa thiên tai cấp độ 4 tại khu vực Tây Tạng để huy động các nguồn lực đối phó.
Trận động đất này được đánh giá là một trong những trận động đất mạnh nhất thế giới kể từ năm 1900. Với tâm chấn nông, chỉ khoảng 15km khiến sức tàn phá của trận động đất mạnh 7,8 độ richter này càng khủng khiếp hơn. Rung chấn của trận dộng đất cũng lan xa tới hơn 1.000 km sang 3 quốc gia láng giềng với Nepal.
Theo giới chức cứu hộ Nepal, một điều nguy hiểm nữa là trận động đất đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên đỉnh Everest, nơi có hàng chục du khách đang leo núi và tham quan. Giới chức nhiều nước cho biết, hiện vẫn chưa thể liên hệ được với các nhóm du khách và leo núi là công dân của họ.
Trong khi đó, nhiều nước đã bắt đầu triển khai và tuyên bố sẵn sàng gửi hàng cứu trợ cũng như nhân viên cứu hộ đến Nepal hỗ trợ đối phó hậu quả động đất.
Giới chức Ấn Độ chiều cùng ngày cho biết, đã có 4 máy bay vận tải quân sự chở theo 3 tấn trang thiết bị y tế và 40 nhân viên cứu hộ cất cánh hướng đến thủ đô Kathmandu của Nepal. Bên cạnh đó, một số trực thăng cứu hộ với nhu yếu phẩm cũng đang chuẩn bị cất cánh đến các khu vực thảm họa động đất.
Trong khi Pakistan tuyên bố hỗ trợ mọi thứ mà Nepal cần trong khả năng của mình thì Pháp cũng khẳng định sẵn sàng trợ giúp đối phó thảm họa./.
vov.vn
Ý kiến bạn đọc