Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm
BHG - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Theo dữ liệu của WHO, tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023. Tại Việt Nam, theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà và một số ca mắc sởi (dương tính) chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, ngoài ra sốt phát ban nghi sởi và thủy đậu cũng ghi nhận rải rác ở nhiều nơi. Tại tỉnh ta, từ đầu năm đến nay ghi nhận 3 ca sởi tại huyện Xín Mần.
Bệnh truyền nhiễm hay còn gọi là bệnh lây nhiễm, gây ra bởi các mầm bệnh là vi rút, vi khuẩn, nấm, các loại giun sán, ký sinh đơn bào… xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh. Các bệnh như cúm, sởi, thủy đậu, tay chân miệng, quai bị... là những bệnh truyền nhiễm phổ biến thường gặp. Các bệnh truyền nhiễm đa số có thể chữa khỏi nếu phát hiện và điều trị kịp thời.
Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là biện pháp hiệu quả, tiết kiệm trong phòng bệnh. |
Hiện nay, đang trong giai đoạn thời tiết mưa ẩm, đây là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển, lây lan và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Vì vậy, để phòng chống các bệnh truyền nhiễm hiệu quả, cần thực hiện các biện pháp sau:
- Tiêm chủng đầy đủ: Tiêm vắc xin là biện pháp chủ động tạo miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Các chuyên gia khẳng định, tiêm chủng đầy đủ là cách phòng chống bệnh truyền nhiễm an toàn, hiệu quả và chủ động. Hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để tăng hiệu quả vắc xin trong phòng bệnh.
Thời gian qua, do dịch COVID-19 và việc gián đoạn trong cung ứng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng, nhiều trẻ không được tiêm đúng lịch hay tiêm chưa đủ mũi là yếu tố nguy cơ làm gia tăng trở lại một số bệnh truyền nhiễm như sởi, bạch hầu, ho gà...
- Thực hiện lối sống lành mạnh: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý. Chế độ ăn cần dựa trên các thực phẩm tự nhiên, phối hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm, cân đối các nhóm thực phẩm. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống ngọt, chất kích thích như rượu, bia, hút thuốc lá... Thường xuyên hoạt động thể dục, thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Giữ vệ sinh cá nhân: Xây dựng thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; trước và sau khi chế biến thực phẩm; sau khi xì mũi, ho, hắt hơi; sau khi chơi với chó, mèo hoặc đến thăm và chăm sóc người bệnh. Bên cạnh đó, cần đeo khẩu trang khi đi ngoài đường và đến nơi công cộng, đông người.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm: Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo quản thức ăn đã chế biến một cách phù hợp; lựa chọn và sử dụng nguồn thực phẩm rõ nguồn gốc để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.
- Vệ sinh môi trường: Cần thu gom và xử lý rác thải, xử lý các chất thải của người, động vật và thực hiện môi trường nhà ở, chuồng trại gia súc, gia cầm, sân, vườn, rãnh quanh nhà hợp vệ sinh. Nuôi cá để diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, ruồi; loại bỏ các dụng cụ chứa nước và các vật thải rắn để hạn chế nơi sinh sản của muỗi.
Bài, ảnh: Thùy Dung (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật)
Ý kiến bạn đọc