Mèo Vạc chủ động phòng, chống thiên tai
BHG - Qua năm tháng, miền đá Mèo Vạc đã chứng kiến không ít đợt thiên tai với những thiệt hại lớn, nhỏ khác nhau; đây cũng là vấn đề được chính quyền huyện Mèo Vạc dành sự quan tâm đặc biệt nhằm chủ động phòng, chống thiên tai (PCTT) cũng như hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản mà thiên tai gây ra.
Nhiều hộ dân xã Niêm Tòng chủ động giằng néo mái nhà phòng, chống tốc mái. |
Nhìn lại năm 2019, tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện Mèo Vạc diễn biến khá bất thường. Trong đó, chủ yếu là các dạng, như: Dông lốc, mưa đá, mưa lớn kéo dài, dông sét… Với 16 đợt thiên tai trong năm, không chỉ gây thiệt hại về tài sản của nhà nước, nhân dân mà còn làm thiệt hại về tính mạng người dân. Cụ thể: Sét làm chết và bị thương 11 người (ở xã Cán Chu Phìn, Sơn Vĩ, Lũng Pù); làm thiệt hại trên 200 ha ngô, lúa; hơn 1.700 nhà ở và 30 công trình xây dựng của nhà nước bị hư hỏng, ước tổng thiệt hại trên 5,7 tỷ đồng. Bước sang năm 2020, ngay trong quý I, tình hình thiên tai có những diễn biến phức tạp. Vào ngày 21.3 vừa qua, trên địa bàn huyện xảy ra mưa to kèm gió lốc, gây thiệt hại 4 nhà dân của xã Xín Cái và Thượng Phùng.
“Hồ treo” xã Pải Lủng góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân vào mùa khô. |
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, trong năm 2020, trên địa bàn huyện có khả năng bị ảnh hưởng bởi nhiều loại hình thiên tai và xảy ra nhiều thời điểm trong năm, như: Bão và áp thấp nhiệt đới có thể xảy ra 2 đợt trong khoảng tháng 7 và tháng 9; rét đậm, rét hại có khả năng xảy ra diện rộng vào khoảng giữa tháng 12 hoặc nắng nóng có thể diễn ra vào đầu tháng 5 và tháng 8… Từ đó, tiềm ẩn nhiều hậu quả không mong muốn, gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng con người; hoa màu mất mùa, giao thông đi lại khó khăn…
Một đoạn kè đá mới được xây dựng chống sạt lở trên đèo Mã Pì Lèng (đoạn qua xã Pả Vi). |
Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành kế hoạch và quyết định thành lập Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Qua đó, nhằm chủ động ứng phó kịp thời với các loại hình thiên tai, giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, phục vụ phát triển KT – XH, đảm bảo QP – AN trên địa bàn. Theo đó, đưa ra những nhận định tình hình thời tiết, khí hậu trong năm 2020; các loại hình rủi ro và giải pháp xử lý, khắc phục. Để thực hiện tốt kế hoạch trên, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Rà soát, xác định những khu vực hay xảy ra thiên tai để chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; xây dựng phương án cụ thể và sẵn sàng thực hiện sơ tán khi cần thiết. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình hồ chứa nước thủy điện trên địa bàn, các công trình PCTT; kịp thời phát hiện hư hỏng và sửa chữa, đảm bảo an toàn các công trình. Đồng thời, nắm bắt kịp thời các bản tin cảnh báo thiên tai để có giải pháp tổ chức thông báo, cảnh báo rộng rãi và kịp thời cho nhân dân biết. Đặc biệt, nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở với nòng cốt là lực lượng dân quân. Ngoài ra, nội dung tuyên truyền về công tác PCTT và TKCN còn được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của huyện, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin cũng như chủ động trong việc PCTT…
Cùng với công tác chủ động ứng phó trước thiên tai; cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện luôn quan tâm đến công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn. Đối với các công trình thiết yếu và tài sản của nhân dân bị thiệt hại đều được chỉ đạo khắc phục và hỗ trợ kịp thời, đảm bảo cho hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị cũng như ổn định đời sống nhân dân. Bên cạnh những thuận lợi, công tác PCTT, TKCN trên địa bàn huyện vẫn gặp không ít những hạn chế, khó khăn. Trong đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp PCTT còn hình mang tính hình thức, thiếu chủ động; còn tư tưởng trông chờ vào cấp trên. Mặt khác, trang thiết bị phục vụ cho công tác PCTT, TKCN của huyện và các xã, thị trấn còn thiếu thốn. Thêm vào đó, dân cư chủ yếu sinh sống tại các sườn đồi, núi và các thung lũng hẹp nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sạt lở đất, đá lăn; việc lựa chọn địa điểm an toàn để di dân gặp nhiều khó khăn…
Mặc dù thiên tai có thể được dự báo trước; song, cũng không thể loại trừ những diễn biến phức tạp với những hậu quả khó lường có thể xảy ra. Bởi vậy, “Chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” luôn là nguyên tắc được chính quyền huyện Mèo Vạc áp dụng trong công tác PCTT và TKCN hiện nay.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc