Cẩn trọng dù hết dịch tả lợn châu Phi

08:55, 11/03/2020

BHG - Với tinh thần cấp bách “Chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) như chống giặc”; chỉ 9 tháng sau, tỉnh ta khống chế thành công DTLCP và công bố hết dịch, kể từ ngày 27.2.2020. Thời điểm này, công tác hậu dịch được các cấp, ngành và người dân đặc biệt quan tâm.

Người dân xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) chăm sóc đàn lợn.
Người dân xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) chăm sóc đàn lợn.

Trung tuần tháng 5.2019, lần đầu tiên ngành chăn nuôi lợn của tỉnh đương đầu với DTLCP – một dịch bệnh truyền nhiễm mới, nguy hiểm, chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị; trong khi đó, bệnh lây lan nhanh và gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Ổ DTLCP đầu tiên xuất hiện tại xã Tân Trịnh (Quang Bình). Sau đó phát sinh ra 385 thôn/92 xã thuộc 10/11 huyện, thành phố (trừ huyện Bắc Mê). Theo tổng hợp của ngành Nông nghiệp, DTLCP đã khiến 2.004 hộ chăn nuôi buộc phải tiêu hủy đàn lợn 13.286 con với tổng trọng lượng trên 545 tấn.

Mặc dù tỉnh ta đã công bố hết DTLCP, tuy nhiên, theo nhận định của chính quyền tỉnh và ngành chuyên môn, nguy cơ bùng phát DTLCP trở lại rất cao nếu không tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống. Bởi tỉnh ta tiếp giáp với 4 tỉnh có DTLCP vẫn chưa công bố hết dịch, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Cao Bằng. Do đó, ngày 5.3 vừa qua, UBND tỉnh đã có Công văn số 595 gửi UBND các huyện, thành phố và thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn bệnh DTLCP tái phát trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh: Huyện, thành phố nào không thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống để tái phát dịch bệnh trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Theo đó, các giải pháp được khuyến cáo chính là quản lý, giám sát chặt chẽ đàn lợn hiện có trên địa bàn; tổ chức tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Mặt khác, áp dụng nghiêm các biện pháp tái đàn theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp và điều kiện thực tế chăn nuôi của từng địa phương, gia đình. Đặc biệt, việc nhập lợn từ các tỉnh khác vào địa bàn để chăn nuôi hoặc giết mổ phải đầy đủ giấy tờ kiểm dịch theo quy định, có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP và còn hiệu lực. Riêng đối với con giống phải được nhập từ các cơ sở chăn nuôi đảm bảo về chất lượng giống, nguồn gốc xuất xứ và an toàn dịch bệnh. Song song với đó, 8 chốt kiểm dịch tạm thời phải được duy trì hoạt động tại địa bàn giáp ranh với các tỉnh lân cận. Trong đó, huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê thành lập 2 chốt/huyện; các huyện Mèo Vạc, Xín Mần thành lập mỗi huyện 1 chốt kiểm dịch…

Hết DTLCP là điều kiện thuận lợi để các hộ chăn nuôi tái đàn. Nhưng trước đó, dịch bệnh khiến người chăn nuôi thiệt hại lớn về kinh tế, dẫn đến khó khăn trong việc khôi phục đàn lợn, ổn định sản xuất. Do đó, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về mức hỗ trợ phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định số 1043, ngày 30.5.2019; Quyết định số 1551 ngày 14.8.2019). Các quyết định này quy định cụ thể mức hỗ trợ đối với người chăn nuôi, hộ nông dân có lợn bắt buộc phải tiêu hủy do bệnh DTLCP. Đặc biệt, UBND tỉnh còn ban hành các quyết định bố trí kinh phí cho 10 huyện, thành phố để thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTLCP (theo Quyết định số 2501 ngày 10.12.2019 và Quyết định số 2902 ngày 31.12.2019). Theo đó, trên 16,2 tỷ đồng đã được cấp cho các huyện, thành phố để hỗ trợ cho các hộ dân có lợn mắc DTLCP phải tiêu hủy. Trong đó, huyện Bắc Quang đã chi trả hơn 7,7 tỷ đồng, thành phố Hà Giang, huyện Quang Bình, Quản Bạ, Xín Mần đã thực hiện chi trả từ 1,1 – 1,6 tỷ đồng/huyện.

Song song với công tác hỗ trợ người chăn nuôi khôi phục đàn lợn, ổn định sản xuất; ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn người dân chuyển đổi mục đích chăn nuôi hoặc thực hiện các biện pháp tái đàn theo hướng áp dụng nghiêm biện pháp an toàn sinh học để đảm bảo việc nuôi tái đàn hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch. Đến nay, toàn tỉnh có 321 hộ chuyển đổi chăn nuôi và tái đàn lợn được 16.619 con. Điển hình trong đó, huyện Quang Bình có 1 hộ chuyển đổi sang chăn nuôi 200 con gà; huyện Quản Bạ có 3 hộ chuyển đổi sang nuôi 400 con gà, vịt và chim bồ câu, 6 hộ khác chuyển mục đích sang nuôi trâu. Riêng huyện Đồng Văn có 19 hộ đã tái đàn lợn được gần 60 con…

Thông qua các cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở sau DTLCP sẽ là “cú hích” để ngành chăn nuôi có bước khôi phục. Từ đó, góp phần ổn định công tác phát triển chăn nuôi và đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc

BHG - Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với đàn gia súc do đói, rét, dịch bệnh; ngay từ đầu mùa Đông, huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo ngành chuyên môn và các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét.

 

27/12/2019
Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

BHG - Trước tình trạng dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Gia đình chị Lê Thị Suốt, đội 1, thôn Thủy Lâm, xã Trung Thành (Vị Xuyên) nuôi gần 1.000 con gà; những ngày này, chị thường xuyên theo dõi thông tin về diễn biến của dịch bệnh. Để bảo vệ an toàn cho đàn gà, ngoài việc tiêm phòng vắc xin định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã; chị thường xuyên rắc vôi bột...

21/02/2020
Giải pháp ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc

BHG - Được cho là giải pháp hàng đầu của huyện Bắc Mê trong việc đẩy lùi và ngăn chăn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, đó là việc tăng cường và kiên quyết trong việc tuần tra, kiểm tra các phương tiện, các nguồn lây nhiễm. Qua đó, giúp Bắc Mê trở thành huyện duy nhất nằm ngoài vùng dịch trong tổng số 11 huyện, thành phố của tỉnh kể từ khi dịch bệnh tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện.

 

19/12/2019
Tin gió mùa đông bắc

Hiện nay (18.12), bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Dự báo: Khoảng đêm nay 18.12, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các khu vực trong tỉnh. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp, từ đêm nay (18.12) trên địa bàn tỉnh có mưa rải rác, có nơi có mưa rào, gió chuyển hướng đông bắc cấp 2-3. 

18/12/2019