Một số nội dung mới quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai
BHG - Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, do đó, công tác quản lý nhà nước của các địa phương trong lĩnh vực đất đai luôn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong vấn đề xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy việc ban hành các chính sách, các quy định pháp luật về đất đai luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Nghị định số 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 25.12.2014 đã tạo hành lang pháp lý trong việc phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai, thực hiện Nghị định đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần có quy định mới sửa đổi, thay thế. Nghị định số 91/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 19.11.2019 nhằm khắc phục được những hạn chế của Nghị định số 102/2014/NĐ-CP và có một số nội dung mới đáng chú ý như:
Nghị định số 102/2014/NĐ-CP quy định ba nhóm đối tượng, đó là hộ gia đình, cộng đồng dân cư; cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cơ sở tôn giáo nhưng theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP thì cơ sở tôn giáo đã được đưa vào nhóm tổ chức nên chỉ còn hai nhóm đối tượng áp dụng.
Giải thích khái niệm một số hành vi vi phạm cụ thể hơn: Như hành vi lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép. Bên cạnh việc kế thừa quy định của Nghị định số 102/2014/NĐ-CP, Nghị định lần này đã bổ sung thêm trường hợp chiếm đất đó là: Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép. Ngoài ra, lần đầu tiên hành vi hủy hoại đất được quy định rõ tại Nghị định, theo đó, hành vi hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
Ngoài các hình thức xử phạt bổ sung theo quy định hiện hành, Nghị định còn bổ sung các hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất.
Nghị định bổ sung nhiều biện pháp khắc phục hậu quả: Cụ thể, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP không có điều khoản quy định riêng về các biện pháp khắc phục hậu quả khi vi phạm mà quy định biện pháp khắc phục hậu quả theo từng hành vi vi phạm. Trong đó, chủ yếu gồm 3 biện pháp là: Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; buộc trả lại diện tích đất đã nhận. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP bổ sung thêm các biện pháp khắc phục hậu quả gồm 17 biện pháp, được áp dụng trong từng trường hợp cụ thể.
Nghị định mới đã hướng dẫn cụ thể công thức tính số lợi bất hợp pháp trong tám trường hợp cụ thể, như trường hợp sử dụng đất sang mục đích khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; trường hợp sử dụng đất do lấn, chiếm; trường hợp chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ điều kiện; trường hợp cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất không đủ điều kiện; trường hợp cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm mà không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 24 của Nghị định… Trong khi đó, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP có quy định về buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp nhưng không hướng dẫn cách xác định, gây khó khăn cho quá trình áp dụng, thực thi pháp luật. Nghị định đã bổ sung thêm cách xác định diện tích đất vi phạm: Đối với trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất thì xác định theo diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất; trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà đã có bản đồ địa chính thì sử dụng bản đồ địa chính để xác định và trường hợp không có bản đồ địa chính mà có bản đồ khác đã, đang sử dụng quản lý đất đai tại địa phương thì sử dụng bản đồ đó để xác định.
Bổ sung thêm các hành vi vi phạm và xử phạt đối với các hành vi vi phạm, cụ thể như đối với hành vi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không đúng quy định; sử dụng đất vào mục đích khác thuộc trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định, mức phạt lên tới 100 triệu đồng. Hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn, mức phạt lên tới 70 triệu đồng. Đối với hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng ở khu vực đô thị thì mức phạt gấp hai lần ở khu vực nông thôn.
Đối với hành vi hủy hoại đất: Trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì tùy theo mức độ, tính chất của hành vi có thể bị xử phạt với mức phạt tiền từ 2 triệu đồng lên tới 150 triệu đồng; xử phạt hành vi không sử dụng đất trồng cây hằng năm trong 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong 24 tháng liên tục, mức phạt tiền lên tới 10 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP còn bổ sung việc xử phạt đối với hành vi chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp đối với đất không thuộc trường hợp được chuyển quyền, cho thuê, thế chấp theo quy định của Luật Đất đai; người sử dụng đất được nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm để đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, để cho thuê lại đất, nhưng đã cho thuê lại đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần kể từ ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực; không làm thủ tục chuyển sang thuê đất đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 60 của Luật Đất đai… Nhìn chung, mức phạt tiền trong các hành vi vi phạm theo quy định mới tăng so với Nghị định số 102/2014/NĐ-CP.
Nghị định số 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05.01.2020. Với những quy định tương đối đầy đủ, chi tiết hơn cũng như tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm, Nghị định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc thực thi pháp luật và tạo hành lang pháp lý với chế tài đủ sức “răn đe” đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Biên soạn: Trần Hải Dương (Phó Giám đốc Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc