Đẩy lùi ma túy học đường trên địa bàn tỉnh
BHG - Trong những năm qua, công tác phòng, chống ma túy nói chung và phòng, chống ma túy học đường trên địa bàn tỉnh Hà Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, và đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, xuất hiện ngày càng nhiều loại chất hướng thần mới được tội phạm lợi dụng, đặc biệt là thủ đoạn mua bán, tổ chức sử dụng chất hướng thần, núp bóng, pha trộn vào thực phẩm, đồ uống, cỏ Mỹ, thuốc lá điện tử để lôi kéo, dụ dỗ thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trở thành nạn nhân hoặc tham gia vào các hoạt động tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy. Điều này tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ làm hủy hoại đến sức khỏe, hao tốn tiền bạc, mất kiểm soát, loạn thần... mà còn gây ra nhiều vụ việc thương tâm, vụ án hình sự.
Cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tuyên truyền phòng, chống ma túy tại trường học. |
Theo thống kê, toàn tỉnh có 412 trường học từ tiểu học đến THCS và THPT. Số học sinh nằm trong nhóm nguy cơ cao tập trung ở cấp THCS và THPT. Đặc biệt, một số cơ sở Trung tâm giáo dục thường xuyên, trường THPT tuyến tỉnh và huyện có một số học sinh do gia đình ở xa, khó khăn trong việc đi lại nên thường thuê phòng trọ để tiện việc học tập nên thiếu sự quản lý của gia đình, sự giám sát của nhà trường, do đó các cháu dễ bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia sử dụng các loại ma túy núp bóng như thuốc lá điện tử, các loại thảo mộc có chứa chất ma túy, nước vui... Các loại ma túy này thường dễ dàng được mua trên mạng hoặc được các đối tượng lén lút bán tại các quán tập trung đông học sinh gần trường học, giá thành nhiều loại rất rẻ, từ 50 đến 70 nghìn đồng cho đến vài trăm nghìn đồng, hình thức thanh toán chuyển tiền qua tài khoản và nhận hàng qua shipper. Qua tìm hiểu việc các cháu xa ngã vào ma túy rất đơn giản đó là thấy lạ, thử cho biết; nghe bạn rủ rê tại các buổi sinh nhật, họp nhóm... Hoặc cá biệt do nhận thức về tác hại của ma túy còn nhiều sai lệch, dẫn đến những quan niệm sai lầm như sử dụng ma túy một lần không sao, hoặc sử dụng ma túy tổng hợp không gây nghiện, không ảnh hưởng đến sức khỏe...
Trung tá Giàng Xuân Chiến, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh cho biết: Trong năm 2023 các lực lượng đã phát hiện, xử lý 6 vụ với 16 đối tượng có hành vi liên quan đến các loại ma túy như (Heroine, thuốc lá điện tử, các loại thảo mộc có chứa chất ma túy...) hiện đang là học sinh THPT trên địa bàn. Trong đó đã khởi tố 1 vụ với 2 đối tượng là học sinh lớp 11 trường THPT huyện Vị Xuyên về hành vi mua bán trái phép chất ma túy (cần sa); xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 đối tượng là học sinh lớp 11 trường THPT huyện Yên Minh về các hành vi tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã bắt, khởi tố 03 vụ với 03 bị can (trong đó có 02 đối tượng nguyên là Phó hiệu trưởng, 01 là giáo viên) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Để đẩy lùi ma túy trong nhà trường cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì trong công tác phòng, chống ma túy học đường. Tăng cường làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp các ngành, đoàn thể và nhân dân cùng tham gia hành động đẩy lùi ma túy học đường; phát huy vai trò của Ban chỉ đạo 138 các cấp trong chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy nói chung và ma túy học đường nói riêng; tuyên truyền về tác hại của ma túy và phương thức hoạt động của tội phạm ma túy nhắm đến lớp trẻ. Xác định rõ vai trò quan trọng, trách nhiệm giữa nhà trường và gia đình cùng với nỗ lực của học sinh trong công tác phòng, chống ma túy học đường. Nhân rộng các mô hình trường học không ma túy, hộp thư cứu bạn, cổng trường an toàn không tệ nạn xã hội...
Bài, ảnh: Hà Toản
Ý kiến bạn đọc