Tuyên truyền pháp luật gần gũi, thiết thực với đời sống
BHG - Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, nội dung được lựa chọn sát với nhu cầu của cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. Từ đó góp phần phát triển KT-XH, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững.
Được tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và việc cho thuê xe máy trong mùa du lịch dịp trước, trong và sau Tết. Nhà nghỉ Giang Sơn Hostel ở thôn Cầu Mè, xã Phương thiện (thành phố Hà Giang) là nơi đông khách, có 16 phòng, 200 giường và 225 xe máy cho thuê, do đó công tác đảm bảo an toàn PCCC và cho thuê xe máy phải đảm bảo đúng các quy định của Nhà nước. Chị Tạ Thị Hồng Giang, chủ nhà nghỉ Giang Sơn Hostel, cho biết: “Được sự tuyên truyền của Công an thành phố, chúng tôi đã đảm bảo an toàn cho khách đến nghỉ trọ tại nhà nghỉ và khách thuê xe máy. Hàng ngày, nhà nghỉ tiếp hơn 100 lượt khách đến nghỉ và thuê xe máy đi du lịch vùng cao. Do đó, chúng tôi đã phối hợp với Công an thành phố xây dựng phương án PCCC tại cơ sở; thường xuyên bảo dưỡng xe máy, chỉ cho khách có bằng lái xe thuê xe”.
Đoàn công tác liên ngành thành phố Hà Giang tuyên truyền pháp luật tại cơ sở cho thuê xe máy. |
Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp thu hút khách du lịch đến với Hà Giang, trong đó chú ý đến vấn đề dịch vụ, phục vụ, lưu trú, ăn uống. UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt đến các huyện, thành phố, đặc biệt là các huyện trọng điểm du lịch tăng cường công tác tuyên truyền PBGDPL, nâng cao nhận thức pháp luật cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ và người dân với quan điểm không để xảy ra tình trạng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch vi phạm quy định về niêm yết giá dịch vụ ăn, ngủ, nghỉ, vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định về PCCC, các địa điểm cho thuê xe máy, ô tô tham quan du lịch.
Xác định công tác PBGDPL trong các cơ sở giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, các cơ sở giáo dục đã không ngừng đổi mới về hình thức và nội dung tuyên truyền như: Tổ chức các cuộc thi “Học sinh với an toàn giao thông”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho học sinh, cha mẹ học sinh; các buổi học ngoại khóa... đã thu hút hàng chục nghìn học sinh. Các trường tiểu học, THCS, THPT đã tổ chức cho 100% học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật giữa học sinh - nhà trường - gia đình.
Đối với địa bàn các huyện biên giới. Những năm qua, công tác PBGDPL cho nhân dân khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa được quan tâm, chỉ đạo. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản để triển khai công tác hợp tác quốc tế về PBGDPL tại khu vực biên giới. Chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương có đường biên giới tăng cường ký kết hợp tác tuyên truyền pháp luật song phương. Qua công tác tuyên truyền PBGDPL cho nhân dân biên giới hai nước đối đẳng, tình trạng vi phạm pháp luật đã giảm rõ rệt. Công dân hai nước cơ bản chấp hành tốt pháp luật của cả Việt Nam và Trung Quốc khi giao thương hàng hóa, lao động... Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định khu vực biên giới, tạo môi trường pháp lý an toàn cho công dân hai nước trong các quan hệ kinh tế, thương mại, hôn nhân gia đình, lao động.
Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác PBGDPL đã xuất hiện những mô hình hay, cách là hiệu quả để nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ và nhân dân như: Mô hình tuyên truyền các quy tắc cơ bản khi tham gia giao thông với “5 điều nhớ, 7 điều không khi tham gia giao thông” bằng tờ rơi; in và phát tờ khuyến cáo cho lái xe ngoại tỉnh tham gia giao thông trên tuyến đường vùng cao phía Bắc. Mô hình “Bến đò an toàn”, “Tổ nhóm tự quản”, xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Tổ chức ký cam kết trong cán bộ, công chức và nhân dân về giao thông đường bộ và phòng, chống tảo hôn. Mô hình dân vận khéo tuyên truyền, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… Trong năm 2023 các huyện, thành phố đã tổ chức tuyên truyền miệng được trên 13.200 cuộc, với 1,4 triệu lượt người tham dự. UBND cấp tỉnh, huyện tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thanh tra; Luật Dân chủ ở cơ sở và một số nghị định, thông tư mới ban hành cho trên 6.800 đại biểu tham dự.
Công tác tuyên truyền PBGDPL và Ngày Pháp luật ngày càng được quan tâm, nâng cao chất lượng và tổ chức đổi mới bằng nhiều hình thức tuyên truyền. Thông qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc