Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
BHG - Ngày nay, hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa diễn ra ngày càng sôi động, song song với đó, các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng diễn ra tinh vi, phức tạp hơn. Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng (NTD), góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.
Với đặc thù địa bàn vùng cao, biên giới, nhiều NTD vẫn chưa thực sự quan tâm, nhận biết đầy đủ về quyền lợi của mình khi tham gia mua sắm. Nhiều người chưa có thói quen kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; còn tâm lý e ngại, sợ phiền hà, rắc rối, chưa dám khiếu nại khi bị xâm phạm quyền lợi. Đặc biệt, hiện nay mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển mạnh, không ít NTD đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động thương mại điện tử, như: Chuyển mặt hàng không đúng giá trị thực tế; tạo lập các trang quảng cáo, rao bán các mặt hàng trực tuyến sau đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc của khách hàng; bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng...
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Hoàng Su Phì kiểm tra hàng hóa tại các cửa hàng trên địa bàn thị trấn Vinh Quang. |
Các cấp, ngành của tỉnh đã tăng cường tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi NTD tới các tầng lớp nhân dân với các hình thức phong phú như treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi; tuyên truyền tại các hội nghị, hội thảo; trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đầu năm 2023, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh được thành lập, trong năm đã tích cực tổ chức các hội nghị, cung cấp thông tin, tuyên truyền công tác bảo vệ quyền lợi NTD tới nhân dân. Tiếp nhận 1 đơn khiếu nại, tư vấn 1 vụ việc của NTD (hiện đang tiếp tục điều tra làm rõ và giải quyết theo thẩm quyền).
Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Vận động NTD trên địa bàn sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt; khuyến khích các cơ quan, đơn vị sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm, trang bị phương tiện làm việc, hoạt động. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với hàng hoá, dịch vụ làm ra; nâng cao chất lượng của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của NTD. Thường xuyên phối hợp tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi để người dân dễ dàng tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao. Qua đó, đưa Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và NTD về trước mắt cũng như lâu dài.
Cùng với đó, Sở Công thương, lực lượng Quản lý thị trường tích cực đẩy mạnh kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường; kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi NTD. Tăng cường kết nối cung – cầu, ổn định giá cả, tránh khan hiếm hàng hóa, đẩy giá cả lên cao, ảnh hưởng đến quyền lợi NTD. Trong 5 năm qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang đã kiểm tra trên 6.000 vụ việc và xử lý gần 5.000 vụ việc vi phạm hành chính, tổng số tiền nộp Ngân sách Nhà nước trên 19 tỷ đồng. Tổng trị giá hàng hóa bị tiêu hủy trên 8,2 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đa phần NTD còn tâm lý e ngại khiếu nại khi quyền lợi của mình bị xâm phạm; việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại một số địa bàn khu vực vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh mới được thành lập, cán bộ hội chủ yếu làm việc kiêm nhiệm, thiếu kinh phí, phương tiện làm việc nên chưa phát huy hết vai trò trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Công tác phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD thiếu đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, ngành... Vì vậy, cần có sự chung tay, góp sức, đồng hành của toàn xã hội trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp để các hoạt động bảo vệ quyền lợi của NTD thực sự phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng KT-XH.
Bài, ảnh: YÊN HOA
Ý kiến bạn đọc