Mạng xã hội và trách nhiệm người dùng – Kỳ đầu: Nhận diện và cảnh giác trước những thông tin xấu, độc
BHG - Internet và mạng xã hội (MXH) đang thu hút ngày càng nhiều người sử dụng từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng xấu lợi dụng phát tán những thông tin xấu, độc, đặc biệt tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, phản động, với mục tiêu chống phá Đảng, Nhà nước ta. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần có trách nhiệm trong việc sử dụng internet và mạng xã hội, nâng cao khả năng “tự miễn dịch” trước các thông tin xấu, độc, tích cực tham gia đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên không gian mạng.
Công an huyện Vị Xuyên xử phạt ông N.M.T, xã Việt Lâm về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Ảnh: Fb Công an tỉnh Hà Giang. |
Sử dụng internet và MXH đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho mỗi người như: Tiếp cận các tri thức mới, nâng cao dân trí, kết nối bạn bè, phục vụ nhu cầu giải trí cá nhân... Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội cũng không ít, khi một bộ phận người sử dụng đăng tải, bình luận, chia sẻ nội dung sai sự thật, gây nên những luồng thông tin xấu, độc, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội và ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; nghiêm trọng hơn là xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Ngay trên địa bàn tỉnh Hà Giang cũng có những đối tượng lợi dụng sức nóng của các vụ việc để đăng tải thông tin mang tính suy diễn chủ quan, khiến nhiều người dân hiểu lầm. Điển hình như vào đầu tháng 5.2023, một số công dân thường trú tại xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì) lợi dụng công trình cải tạo, nâng cấp đường Bắc Quang – Xín Mần (ĐT 177), mặc dù đã được hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng nhưng có hộ dân vẫn không chịu di dời đến nơi ở khác. Khi đơn vị thi công san ủi nền đường, do nền đất yếu đã dẫn đến sạt lở vào sát vách nhà, một số đối tượng ngay lập tức chụp ảnh đưa lên Facebook, phê bình, cho rằng cán bộ làm việc tắc trách, không vì dân. Lợi dụng thông tin này, một số đối tượng cơ hội đã vào bình luận, nói xấu cán bộ, chính quyền địa phương. Cấp ủy, chính quyền xã Nậm Dịch đã phối hợp với lực lượng chức năng để giải quyết vụ việc trên; đồng thời tuyên truyền, phân tích những tác động xấu từ việc đăng tải thông tin chưa chuẩn xác, ảnh hưởng đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, để người dân không nghe theo và cổ súy cho hành vi nêu trên.
Bài viết sai sự thật đăng tải trên facebook. |
Hay như vào cuối tháng 6 vừa qua, trên địa bàn xã Xuân Minh (Quang Bình) xảy ra mưa to, đất, đá trên đồi sạt lở, nước sông dâng cao khiến tuyến đường từ xã Xuân Minh đi huyện Bắc Quang (đoạn qua sông Bạc, gần dự án thủy điện) bị ảnh hưởng, giao thông đi lại khó khăn. Trong khi cấp ủy, chính quyền địa phương đang khẩn trương tìm phương án khắc phục thì một số đối tượng đã chụp ảnh, quay video clip đăng tải lên facebook cá nhân và chia sẻ lên một số hội, nhóm, trang fanpage. Ngay lập tức, các đối tượng xấu, bất mãn chính trị đã vào bình luận cho rằng cán bộ tắc trách, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn của người dân, tác động tư tưởng tiêu cực đến một bộ phận người dân có lập trường tư tưởng không vững vàng, gây nhiễu loạn dư luận xã hội.
Đã có một số đối tượng thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận bị lực lượng chức năng xử phạt và yêu cầu đăng tải thông tin cải chính lên MXH. Điển hình như vụ việc ông N.M.T (sinh năm 1960) trú tại xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, ngày 5.7.2023, ông T sử dụng tài khoản facebook cá nhân đăng tải lên trang fanpage “Hóng biến Hà Giang” bài viết có nội dung: “Các hộ dân xã Việt Lâm phải nộp số tiền 150 nghìn đồng/hộ để phục vụ việc huyện Vị Xuyên tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày kỷ niệm thành lập Đảng bộ huyện Vị Xuyên. Huyện có 23 xã, thị trấn thì tổng số tiền nhân dân nộp là 4 tỷ 140 triệu đồng. Không biết ngân sách Nhà nước bỏ ra bao nhiêu tỷ nữa. Đợt này huyện Vị Xuyên tổ chức to thật...”. Sau khi đăng tải, thông tin trên đã gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
Ngay sau đó, Công an huyện Vị Xuyên đã tiến hành xác minh, làm rõ thông tin trên là sai sự thật. Huyện Vị Xuyên không có chủ trương hay chỉ đạo các xã, thị trấn thu tiền người dân để phục vụ cho việc tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (ngày 15.8) với số tiền như bài viết đã nêu. Việc các hộ dân đóng góp 150 nghìn đồng là do UBND xã Việt Lâm vận động xã hội hóa (trừ các hộ có hoàn cảnh khó khăn) để xây dựng công trình chào mừng (cụ thể là làm đường bê tông nhằm nâng cao tiêu chí Nông thôn mới). Lực lượng chức năng đã xử phạt ông T 7,5 triệu đồng về hành vi đăng thông tin sai sự thật lên MXH, yêu cầu cam kết không tái phạm và xóa bài viết, đồng thời đăng tải thông tin cải chính lên facebook cá nhân.
Có một bộ phận người sử dụng MXH thường xuyên đăng tải, bình luận, chia sẻ nội dung sai sự thật, kém văn minh, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Đặc biệt, lợi dụng các trang MXH được nhiều người sử dụng như: Facebook, Zalo, TikTok, Youtube; các thế lực phản động, cơ hội chính trị đã lập các trang fanpage, hội, nhóm thường xuyên đăng tải những bài viết bóp méo sự thật, xuyên tạc các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là các vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Tập trung bôi nhọ, công kích, tạo dựng những bằng chứng giả cho thấy chính quyền thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của người dân...
Những thông tin này rất dễ làm cho người tiếp nhận có cách nhìn nhận lệch chuẩn, gây hoang mang, dao động, dẫn đến giảm sút niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền. Bởi vậy, mỗi người cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và kỹ năng chọn lọc thông tin khi tham gia MXH. Trước khi tiếp nhận, bình luận hay chia sẻ các thông tin cần xác định tính chính xác, độ uy tín của trang mạng, tài khoản MXH. Thường xuyên tự đặt ra câu hỏi: Thông tin này đến từ đâu, người phát tán thông tin này có dụng ý gì, thông tin đó có thể gây hại cho ai... để từ đó có cách xử lý phù hợp. Thường xuyên cập nhật kiến thức từ các kênh chính thống để nâng cao “sức đề kháng” trước những thông tin xấu, độc, sai trái.
Trước khi đăng tải bất kỳ nội dung nào lên các trang MXH, người dùng cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chấp hành nghiêm các nội quy, quy tắc ứng xử của cơ quan, đơn vị. Chủ động tuyên truyền để bạn bè, người thân, hiểu rõ và thực hiện đúng các quy chuẩn, quy tắc ứng xử khi sử dụng internet và MXH. Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, chuẩn mực khi phát ngôn, đăng tải hình ảnh, chia sẻ thông tin; không đưa lên MXH những tài liệu trong tổ chức Đảng, tài liệu liên quan đến lý lịch cán bộ, đảng viên, tài liệu trao đổi công tác trong nội bộ cơ quan, tổ chức, tránh bị các đối tượng sử dụng với dụng ý xấu, hay bình luận xuyên tạc, công kích.
Luật An ninh mạng năm 2018 đã quy định rõ những hành vi bị cấm như: Sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động KT-XH, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác... Mỗi cá nhân cần nghiên cứu, hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung của Luật An ninh mạng, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm khi tham gia hoạt động trên không gian mạng, nhằm bảo vệ chính mình, người thân và gia đình, đồng thời, góp phần bảo vệ an ninh mạng quốc gia.
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cũng cần trang bị cho mình kỹ năng sử dụng MXH, kỹ năng công nghệ thông tin để chặn, lọc, xóa, báo xấu… các thông tin độc hại khi phát hiện, không để lan truyền. Mỗi chúng ta hãy là những người sử dụng internet, MXH có trách nhiệm, tỉnh táo trước những thông tin sai trái, bịa đặt, luận điệu xuyên tạc để kịp thời phát hiện và loại bỏ, không tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền thông tin trên không gian mạng, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và uy tín, vai trò lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền.
NGUYỄN PHƯƠNG
Mạng xã hội và trách nhiệm người dùng - Kỳ cuối: Chung tay xây dựng không gian mạng lành mạnh
Ý kiến bạn đọc