Nâng cao cảnh giác với phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản
BHG - Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 3 tháng đầu năm 2021, toàn quốc xảy ra 568 vụ lừa đảo, tăng 33,64% so với cùng kỳ năm trước, với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài phương thức, thủ đoạn giả danh người có chức vụ, quyền hạn để lừa đảo; lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Instagram, Viber… còn có một số phương thức, thủ đoạn mới cực kỳ tinh vi và có tổ chức mới nổi lên.
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh tuyên truyền cho người dân xã Sủng Thài (Yên Minh) về phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới. |
Thủ đoạn lừa đảo thông qua hoạt động đầu tư kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử
Lợi dụng nhu cầu đầu tư của người dân, các đối tượng dùng thủ đoạn xây dựng website tạo thành các sàn giao dịch tài chính, sàn thương mại điện tử, chứng khoán quốc tế (như Bigbuy24h, Binomo, Coolcat, Forex, Bitcoin...) kêu gọi đầu tư theo mô hình đa cấp có hưởng hoa hồng giới thiệu, hưởng lợi trên số tiền đầu tư dựa trên chính sách khuyến mãi, chiết khấu... Người đầu tư đóng tiền vào hệ thống bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản để quy đổi thành tiền “ảo” trong từng hệ thống. Khi người tham gia đạt một số lượng nhất định, chúng sẽ cho “sập sàn” hoặc cho máy chạy tự động giao dịch để chiếm đoạt số tiền nộp vào hệ thống của người chơi. Điển hình: Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với thủ đoạn sử dụng công nghệ cao lập sàn giao dịch tiền ảo trên trang web Tradenew.io với tổng số tiền giao dịch trên 1.000 tỷ đồng để chiếm đoạt tiền của người đầu tư; triệt phá nhóm đối tượng lập sàn thương mại điện tử Bigbuy24h.com để chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Văn Anh, sinh năm 1982, trú tại Long Biên, Hà Nội cầm đầu, với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 517 tỷ đồng...
Thủ đoạn lừa đảo thông qua môi giới đầu tư, mua bán bất động sản
Các đối tượng tạo ra các đợt sốt bất động sản ảo, thu hút người đầu tư, sau đó sử dụng các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản như: Lừa đảo chiếm dụng tiền đặt cọc; một lô đất bán cho nhiều người; làm giả, đánh tráo sổ đỏ; mạo danh chính quyền, chủ đầu tư uy tín để lập các dự án “ma” lừa bán; giả danh ngân hàng thanh lý nhà đất để chiếm đoạt tài sản...
Thủ đoạn mua bán, thuê mượn tài khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Các đối tượng sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook ảo... để kết bạn và đăng tải nội dung mua, bán hoặc thuê, mượn tài khoản ngân hàng với giá cao và không yêu cầu trong tài khoản phải có tiền. Sau khi kết bạn và đồng ý mở tài khoản ngân hàng thì đối tượng hướng dẫn mở tài khoản tại ngân hàng tại một địa chỉ khác và chủ yếu là Ngân hàng Techcombank. Sau khi mở tài khoản thành công, các đối tượng yêu cầu chuyển các thông tin cá nhân, mật khẩu, mã OTP, số điện thoại... qua Zalo cho đối tượng mua tài khoản sau đó đối tượng thay đổi mật khẩu, chiếm quyền sử dụng và dùng các tài khoản đó để nhận và chuyển tiền lừa đảo chiếm đoạt của bị hại với mục đích che dấu và đánh lạc hướng cơ quan điều tra.
Thủ đoạn lừa đảo thông qua mua bán, chuyển nhượng sinh vật cảnh
Gần đây nổi lên tình trạng mua bán, chuyển nhượng cây lan đột biến thông qua nhiều giao dịch diễn ra công khai với số tiền hàng trăm tỷ đồng, được quảng bá rộng rãi trên các trang mạng xã hội, gây sự chú ý của dư luận, truyền thông và kéo theo rất nhiều người lao vào đầu tư, mua, bán lan đột biến. Tuy nhiên, việc mua bán, chuyển nhượng lan đột biến tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, nhất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với thủ đoạn tinh vi như: Tách lan đột biến thật gắn vào gốc lan thường bằng keo và chiếm đoạt tiền của người mua; dùng cây lan thường lừa người đầu tư mua với giá của cây lan đột biến; quảng cáo có vườn lan đột biến, nhận tiền của người mua rồi chiếm đoạt tài sản... Không những vậy, các hoạt động giao dịch lan đột biến diễn ra tự phát, không có kiểm soát từ cơ quan chức năng, do đó không có đảm bảo, chứng nhận hợp pháp về chất lượng lan đột biến nên dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp sau giao dịch.
Thủ đoạn lừa đảo thông qua giao dịch, chuyển nhượng kim khí, đá quý, xương động vật quý
Các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nạn nhân, dàn cảnh để tạo lòng tin sau đó lừa nạn nhân chuyển tiền đặt cọc, chi phí phát sinh để chiếm đoạt, nhiều vụ với số tiền rất lớn (lừa đảo mua, bán thiên thạch với giá 45 triệu USD tại Trà Vinh; lừa đảo mua, bán thiên thạch với giá 900 triệu đồng tại Lâm Đồng...). Hoặc thủ đoạn lừa tráo đổi kim cương nhân tạo với kim cương tự nhiên để chiếm đoạt tài sản.
Đối với địa bàn tỉnh Hà Giang trong thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau, nhất là sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến tình hình ANTT và đời sống nhân dân như: Giả danh cơ quan công quyền, đầu tư mua bán tiền ảo, khẩu trang, mua bán tài khoản ngân hàng, giả danh là quân nhân ký gửi gói quà từ nước ngoài về Việt Nam... sau đó chiếm đoạt số tiền nhiều tỷ đồng của người dân. Khi sử dụng tài khoản ngân hàng, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, mật khẩu, mã OTP, số điện thoại... cho các đối tượng lạ, không truy cập vào các đường link không rõ nguồn gốc.
Trước tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn trên, người dân cần nâng cao nhận thức, cảnh giác, phòng ngừa và phát hiện, kịp thời tố giác với cơ quan chức năng để phòng ngừa, xử lý, tránh những rủi ro đáng tiếc.
Bài, ảnh: Kỳ Long