Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số
BHG - Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp hiệu quả đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; nhất là PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, đồng bào dân tộc thiểu số.
Cán bộ xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) tuyên truyền, PBGDPL về bảo vệ rừng tới người dân. |
Thời gian qua, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tư vấn, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền, PBGDPL cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn; chú trọng tuyên truyền, phổ biến những nội dung: Phòng, chống các tệ nạn xã hội; mua bán người, bạo lực gia đình; bảo vệ môi trường, tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu; an toàn thực phẩm; an toàn giao thông; đấu tranh chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, truyền đạo trái pháp luật; các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM; các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT – XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các dân tộc rất ít người... bằng các hình thức phù hợp với từng địa bàn. Đặc biệt, hướng đến ngày hội toàn dân đi bầu cử.
Theo lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết: Trong giai đoạn 2015 - 2020, Các cấp, ngành tổ chức trên 84 nghìn cuộc tuyên truyền, thu hút trên 3,7 triệu lượt người tham gia; tổ chức gần 500 cuộc thi tuyên truyền pháp luật, thu hút trên 168 nghìn lượt người dự thi; phát hành gần 500 nghìn tài liệu PBGDPL, trong đó trên 8,7 nghìn tài liệu tiếng dân tộc thiểu số; phát sóng trên 17,5 nghìn lượt trên đài truyền thanh xã; gần 85 nghìn tin, bài về pháp luật được đăng tải, phát trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức truyền thông và trợ giúp pháp lý tại 112 thôn, xã đồng bào các dân tộc thiểu số... Với các biện pháp phù hợp, công tác PBDGPL đã tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn ở cơ sở, giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp; giữ vững trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển KT – XH. Tuy nhiên, việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp triển khai PBGDPL chưa đồng bộ và kịp thời; đội ngũ làm công tác PBGDPL 100% kiêm nhiệm, hạn chế về kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng PBGDPL; phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng các dân tộc có sự khác nhau; địa bàn PBGDPL trải rộng; trang thiết bị, kinh phí thực hiện chưa đáp ứng nhu cầu thực tế...
Khắc phục khó khăn, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác PBGDPL đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh ta xác định thực hiện hiệu quả Kết luận số 80 của Ban Bí thư thực hiện Chỉ thị số 32 về tăng cường sự lãnh đạo, của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác PBGDPL cho đồng bào thiểu số là công tác trọng tâm, trọng điểm và thường xuyên. Phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh xã hội hóa đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Phát huy tối đa vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở; chú trọng xây dựng và sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số am hiểu pháp luật, có kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với nguyện vọng và trình độ dân trí của đồng bào.
Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường chia sẻ: Trước thực tế huyện có đông dân tộc cùng sinh sống; trình độ dân trí của người dân chưa cao nên huyện đa dạng hóa nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với đối tượng, vùng miền; lồng ghép tuyên truyền với các chương trình, kế hoạch, đề án triển khai tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tranh thủ nguồn lực; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa truyền thống. Tận dụng tối đa nguồn nhân lực tại địa phương; phát huy vai trò già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín tham gia tuyên truyền pháp luật. Ưu tiên bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL; nâng cao hiểu biết về phong tục, tập quán của địa phương cho đội ngũ tuyên truyền viên…
Bên cạnh việc phổ biến nội dung của các văn bản pháp luật mới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung phổ biến những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào. Gắn công tác PBGDPL với thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Quan tâm, bố trí kinh phí, có chế độ, chính sách hợp lý để triển khai công tác PBGDPL, ưu tiên địa bàn vùng sâu, xa, vùng có điều kiện khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số...
Bài, ảnh: Kim Tiến
Ý kiến bạn đọc