Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù
BHG - Thực hiện Quyết định 22, ngày 17.8.2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù; ngày 11.10, Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Giang đã tiến hành giải ngân nguồn vốn ưu đãi cho người chấp hành xong án phạt tù.
Bà Đỗ Thị Bình (người nhà đối tượng) nhận vốn vay tại Hội sở Ngân hàng CSXH tỉnh |
Ngay sau khi Quyết định 22 được ban hành, Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát các đối tượng có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù để giải ngân kịp thời. Về mức cho vay: Đối với vay vốn đào tạo nghề, mức cho vay tối đa là 4 triệu đồng/người/tháng; đối với vay vốn sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người, không quá 100 triệu đồng/lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng lãi suất đối với hộ nghèo theo quy định từng thời kỳ.
Buổi giải ngân nguồn vốn tại Ngân hàng CSXH huyện Quang Bình. |
Tại buổi giải ngân, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tiến hành giải ngân cho 2 đối tượng tại thành phố Hà Giang là Nguyễn Thị Thùy Trang, trú tại tổ 9, phường Nguyễn Trãi với số tiền 100 triệu đồng để kinh doanh dịch vụ giải khát; Đỗ Thị Bình, trú tổ 8, phường Quang Trung vay 50 triệu đồng để kinh doanh ăn uống. Cùng ngày 11.10, Ngân hàng CSXH huyện Quang Bình cũng tiến hành giải ngân cho 2 đối tượng, mỗi đối tượng 100 triệu đồng để trồng rừng.
Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách nhân văn, cơ chế tín dụng đầu tiên dành riêng cho đối tượng thụ hưởng là những người chấp hành xong án phạt tù. Quyết định chính thức có hiệu lực từ ngày 10.10 được kỳ vọng mở ra cơ hội, tạo điều kiện cho những người lầm lỡ khi trở về địa phương có nguồn vốn để phát triển kinh tế.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông để chính sách sớm phát huy hiệu quả trong đời sống. Tạo điều kiện giúp cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn phục vụ học nghề, sản xuất, kinh doanh, có nguồn thu nhập để tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Tin, ảnh: An Dương
Ý kiến bạn đọc