Lấy niềm tin của người tiêu dùng để phát triển các sản phẩm OCOP

10:44, 10/06/2022

BHG - Nhắc đến mảnh đất Quang Bình chắc hẳn ai cũng sẽ nhớ đến hương chè Shan tuyết đậm đà, thơm ngon, vườn cam Vàng xum xuê trái ngọt hay đặc sản thịt mắm của đồng bào dân tộc Tày. Đó cũng là một trong số những sản phẩm nông nghiệp chủ lực đạt tiêu chuẩn OCOP của địa phương. Hiện nay, huyện đang tập trung hoàn thiện các sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang tính bền vững và tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng để phát triển các sản phẩm OCOP.

Bà Hoàng Thị Vén, thôn Trung, xã Xuân Giang (Quang Bình) giới thiệu sản phẩm thịt mắm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Bà Hoàng Thị Vén, thôn Trung, xã Xuân Giang (Quang Bình) giới thiệu sản phẩm thịt mắm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Đến xã Xuân Giang, khám phá nét văn hóa ẩm thực độc đáo của dân tộc Tày, không thể thiếu món thịt mắm. Là người có kinh nghiệm làm món thịt mắm lâu năm, bà Hoàng Thị Vén, thôn Trung cho biết: “Muốn làm ra được một hũ thịt mắm thơm ngon thì khâu lựa chọn thịt lợn đen đảm bảo chất lượng là yếu tố quan trọng nhất, kết hợp với 21 loại gia vị khác nhau từ cây giềng, rau răm, lá cơm đỏ, bỗng rượu nếp cái để tẩm ướp. Thịt mắm lợn đen bảo quản trong chum, vại có thể để được vài năm. Đưa miếng thịt mắm lên thưởng thức, thấy được vị ngọt, vị chua, vị cay của giềng và hương nồng của nếp cái thơm, miếng thịt mềm, hơi ngậy nhưng lại không ngấy, dư vị rất khó quên. Năm 2021, sản phẩm thịt mắm của gia đình tôi đạt tiêu chuẩn OCOP. Thương hiệu thịt mắm được huyện hỗ trợ giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại làng hay mua về làm quà nên nhiều người biết đến”.

Sau nhiều năm miệt mài xây dựng thương hiệu, đến nay, cơ sở sản xuất chè của anh Lý Chàn Tòng, thôn Tân Tiến, xã Tiên Nguyên có 3 sản phẩm chè Shan tuyết chất lượng cao Quang Sơn Tiên Nguyên loại hộp 100g, 200g, 300g đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Nhờ tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm đặc trưng đã giúp cơ sở ổn định sản xuất, giá bán và được khách hàng tin tưởng hơn. Anh Tòng cho hay: “Vùng nguyên liệu sản xuất chè chủ yếu ở thôn Quang Sơn, Thượng Bình, bà con trồng và phát triển cây chè theo phương pháp hữu cơ, không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Giá thu mua chè tươi loại 1 tôm, 1 lá đạt 60.000 đồng/kg, còn lại trung bình đạt 13.000 - 20.000 đồng/kg. Chè Vàng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, chè uống tiêu thụ ở các tỉnh Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, loại đắt nhất đạt 1 triệu đồng/kg. Ngoài sản phẩm chè, cơ sở cũng có sản phẩm Thảo quả rừng đang chuẩn bị chấm thi OCOP của tỉnh”.

Để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, UBND huyện Quang Bình đã chỉ đạo các xã, thị trấn bám sát định hướng, quan điểm, mục tiêu chương trình thực tế và nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế theo chuỗi giá trị, có khả năng phát triển thành hàng hóa, có sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn phải coi đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Giai đoạn 2019 - 2021, toàn huyện có 23 sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình thực hiện đúng việc xây dựng, quản lý nhãn hiệu, mẫu mã bao bì, đăng ký bảo hộ, sở hữu trí tuệ theo quy định. Các cơ quan, đơn vị tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương.

Đồng chí Tăng Trung In, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình khẳng định: “Ngoài việc duy trì các sản phẩm hiện có, năm 2022, huyện có 16 sản phẩm mới và sản phẩm nâng hạng dự thi OCOP. Trên cơ sở kết quả phân hạng của huyện, các đơn vị chuẩn bị các điều kiện cho các sản phẩm đạt sao nộp hồ sơ đăng ký tham gia thi phân hạng cấp tỉnh. Bên cạnh việc phát huy nội lực, huyện tập trung xây dựng vùng nguyên liệu và tổ chức lại sản xuất theo thế mạnh của từng vùng, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử để mở ra kênh tiêu thụ hàng hóa lớn, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp”.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với kinh tế số

BHG - Phát triển sản phẩm OCOP gắn với kinh tế số là xu hướng tất yếu, bền vững của nền nông nghiệp hiện đại, hướng đến mục tiêu nâng tầm chất lượng, giá trị cho nông sản địa phương và khai thác tối đa lợi thế cuộc cách mạng 4.0 mang lại. Quá trình ấy đang được huyện Vị Xuyên cụ thể hóa bằng những bước đi vững chắc, tạo đà cho chuyển đổi số nông nghiệp trong tương lai.

31/12/2021
OCOP - cơ hội “vàng” cho nông sản
BHG - Với đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng, Hà Giang có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, chương trình OCOP được tỉnh ta xác định là hướng đi mới giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, nâng cao năng suất và giá trị cây trồng, vật nuôi, tạo “sức bật” để nông sản địa phương vươn tới các thị trường lớn ở trong và ngoài nước
28/02/2022
HTX Hải Khang giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP

BHG - Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những năm gần đây, huyện Bắc Quang đã hình thành và phát triển các sản phẩm đặc trưng, từng bước chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng khó tính trong nước và khu vực. HTX Hải Khang, thị trấn Việt Quang là một trong những điển hình, đi đầu lĩnh vực phân phối các loại nông sản sạch theo mô hình khép kín, an toàn vệ sinh thực phẩm.

27/04/2021
Mận máu - đặc sản Hoàng Su Phì

BHG - Mận máu là một trong những loại quả nổi tiếng và là đặc sản của huyện biên giới Hoàng Su Phì, thường được trồng ở các xã phía Bắc, những nơi có độ cao trên 1500m. Với khí hậu quanh năm mát mẻ, cây mận máu sinh trưởng dựa vào tự nhiên, gần như không có sự can thiệp của con người, cho ra những quả mận tươi ngon nhất vào dịp tháng 6, tháng 7 hàng năm. Nhờ vị ngọt đậm, thơm mát, mận máu đã trở thành cây trồng chủ lực ở Hoàng Su Phì, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

 

26/06/2021