Mèo Vạc phát triển sản phẩm OCOP tương xứng tiềm năng

18:47, 14/11/2021

BHG - Phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương tiếp tục là hướng đi của huyện Mèo Vạc trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT – XH của huyện.

Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng (xã Tả Lủng) mở gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm OCOP của các tổ chức trên địa bàn huyện Mèo Vạc.           Ảnh: TRẦN KẾ
Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng (xã Tả Lủng) mở gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm OCOP của các tổ chức trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Ảnh: TRẦN KẾ

Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Mèo Vạc xác định chăn nuôi bò, lợn là thế mạnh của địa phương. Hiện nay, toàn huyện có gần 27.000 con bò và hơn 36.000 con lợn, trong đó phần lớn là giống bò Vàng và lợn đen Lũng Pù. Ưu điểm của 2 vật nuôi này là có sức đề kháng cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là có chất lượng thịt thơm ngon, được khách du lịch và người tiêu dùng ưa chuộng. Nhằm phát triển số lượng đàn bò, lợn, huyện Mèo Vạc đã triển khai nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo cho bò; lồng ghép các nguồn vốn để nhân rộng mô hình nuôi bò, lợn sinh sản; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc… Ngoài ra, huyện cũng chú trọng phát triển đàn ong mật. Đây cũng là loài đã tạo ra sản phẩm mật ong Bạc hà nức tiếng, sản phẩm này cũng đã được cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý.

Tiếp đến, trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Mèo Vạc đặc biệt quan tâm phát triển các cây trồng thế mạnh, đặc sản như: Lúa Khẩu mang, Tam giác mạch, lê, đào, mận, Óc chó và cây dược liệu. Riêng đối với cây Tam giác mạch, đây không chỉ là cây lương thực mà còn là sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Cao nguyên đá. Những năm qua, cứ độ tháng 10, hoa Tam giác mạch bắt đầu bung nở, cũng là thời điểm du khách thập phương tìm đến để trải nghiệm. Vụ Đông năm nay, huyện Mèo Vạc phấn đấu trồng 60 ha cây Tam giác mạch, tập trung tại các xã Pả Vi, Pải Lủng, Tả Lủng và thị trấn Mèo Vạc. Hiện nay đã trồng cơ bản, đảm bảo kế hoạch đề ra, nhiều điểm đã bắt đầu nở hoa…

Với những tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi đã tạo tiền đề để huyện Mèo Vạc xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP. Tính đến nay, toàn huyện có 8 sản phẩm đạt từ 3 – 4 sao OCOP cấp tỉnh, gồm: Mật ong Bạc hà Mèo Vạc; thịt bò khô Cao nguyên đá; rượu Tam giác mạch; rượu ngô Chí Sán; rượu Mê cung đá; gạo Khẩu mang; giò bò và thịt lợn đen Lũng Pù. Để tạo đầu ra cho các sản phẩm này, huyện luôn chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Hiện nay, một số sản phẩm như mật ong Bạc hà, thịt bò khô Cao nguyên đá, Rượu ngô Chí Sán… đã được bày bán tại một số siêu thị, chợ đầu mối của một số tỉnh, thành phố như: Chuỗi Siêu thị Vinmart, Công ty TNHH thực phẩm sạch Biggreen, Cửa hàng Thực phẩm sạch Miền xanh (Hà Nội)…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng các sản phẩm OCOP còn một số hạn chế như: Việc quy hoạch, phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của địa phương còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của huyện; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn yếu, năng lực phục vụ hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; hình thức tổ chức sản xuất quy mô hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, gia trại phát triển chậm; mối liên kết giữa các tổ chức kinh tế, nhất là hợp tác xã với nông hộ thiếu chặt chẽ, chưa hình thành được chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Mèo Vạc phấn đấu có tối thiểu 30 sản phẩm được công nhận 3 – 4 sao OCOP, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững. Để đạt mục tiêu này, huyện đang tập trung triển khai, thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc đầu tư phát triển sản xuất vùng nguyên liệu, chế biến và hoàn thiện sản phẩm đạt chuẩn OCOP đảm bảo đúng quy hoạch; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng; chú trọng công tác phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm…

TRẦN KẾ


Cùng chuyên mục

"Chắp cánh" cho nông sản vươn xa

BHG - Sau 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, từ nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung hàng hóa, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, chương trình mở ra hướng đi mới trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở nông thôn; chắp thêm đôi cánh để nông sản đặc trưng của Hà Giang có điều kiện khẳng định thương hiệu...

31/12/2020
HTX Hải Khang giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP

BHG - Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những năm gần đây, huyện Bắc Quang đã hình thành và phát triển các sản phẩm đặc trưng, từng bước chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng khó tính trong nước và khu vực. HTX Hải Khang, thị trấn Việt Quang là một trong những điển hình, đi đầu lĩnh vực phân phối các loại nông sản sạch theo mô hình khép kín, an toàn vệ sinh thực phẩm.

27/04/2021
Mèo Vạc nâng tầm sản phẩm OCOP

BHG - Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, Mèo Vạc tạo môi trường thuận lợi giúp các tổ chức kinh tế mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, uy tín và tính cạnh tranh sản phẩm chủ lực, từng bước nâng tầm sản phẩm OCOP.

 

26/12/2020
Mận máu - đặc sản Hoàng Su Phì

BHG - Mận máu là một trong những loại quả nổi tiếng và là đặc sản của huyện biên giới Hoàng Su Phì, thường được trồng ở các xã phía Bắc, những nơi có độ cao trên 1500m. Với khí hậu quanh năm mát mẻ, cây mận máu sinh trưởng dựa vào tự nhiên, gần như không có sự can thiệp của con người, cho ra những quả mận tươi ngon nhất vào dịp tháng 6, tháng 7 hàng năm. Nhờ vị ngọt đậm, thơm mát, mận máu đã trở thành cây trồng chủ lực ở Hoàng Su Phì, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

 

26/06/2021