Quản Bạ sau một năm triển khai Chương trình OCOP

17:29, 13/09/2019

BHG - Ngày 22.3.2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 500 phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030. Huyện Quản Bạ được tỉnh lựa chọn triển khai thí điểm trong năm 2018. Sau hơn một năm, đã có những kết quả nhất định và nhiều kinh nghiệm được huyện rút ra khi triển khai OCOP.

Thành viên HTX Cộng đồng Nặm Đăm giới thiệu các sản phẩm được huyện hỗ trợ đăng ký tem, nhãn truy xuất nguồn gốc.                   Ảnh: DUY TUẤN
Thành viên HTX Cộng đồng Nặm Đăm giới thiệu các sản phẩm được huyện hỗ trợ đăng ký tem, nhãn truy xuất nguồn gốc. 

Thực hiện Đề án OCOP, tháng 5.2018, BCH Đảng bộ huyện Quản Bạ đã ban hành Nghị quyết lãnh, chỉ đạo thực hiện; thành lập Ban điều hành, Tổ giúp việc triển khai Đề án. Qua đó đưa ra những mục tiêu và giải pháp thực hiện cụ thể. Theo rà soát, tại thời điểm đó, huyện có trên 30 sản phẩm thế mạnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ; trong đó có 14 sản phẩm thực phẩm, 1 sản phẩm đồ uống, 12 sản phẩm thảo dược, 5 sản phẩm vải và may mặc, 2 sản phẩm nội thất – trang trí – lưu niệm, 2 sản phẩm dịch vụ du lịch. Các sản phẩm được sản xuất từ 13 HTX, tổ hợp tác, tạo việc làm thường xuyên cho trên 300 người và gián tiếp cho khoảng 5.000 lao động địa phương.

Tuy nhiên, các sản phẩm truyền thống tại các làng nghề của Quản Bạ được đánh giá chưa thực sự thương mại hóa, khó tiêu thụ; tính sáng tạo thấp, chất lượng không ổn định, sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng; việc phát triển các làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc sản thế mạnh của địa phương còn tự phát, quy mô nhỏ, lực lượng lao động tay nghề thấp, khó tiếp nhận và ứng dụng KHKT vào sản xuất; thiếu sự liên kết, chủ động trong tìm đầu ra cho sản phẩm, chưa có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để hỗ trợ thúc đẩy phát triển…

Trung tâm Trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Quản Bạ.       Ảnh: DT
Trung tâm Trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Quản Bạ. 

Với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và tăng giá trị…; phấn đấu đến năm 2030 mỗi xã của huyện có ít nhất từ 1 đến 2 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường, có sự khác biệt, đặc thù gắn với những nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên; huyện đã đề ra 9 nhóm giải pháp gồm: Tuyên truyền; quy hoạch; kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển tổ chức sản xuất; phát triển các sản phẩm; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ; huy động nguồn vốn; xây dựng cơ chế, chính sách.

Đồng chí Nguyễn Chí Thâm, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: Để thực hiện Đề án OCOP hiệu quả, sự hỗ trợ đến được với từng chủ thể, sản phẩm, UBND huyện xác định năm 2018 – 2019 lựa chọn 13 chủ thể, với 6 nhóm sản phẩm: Thảo dược, may mặc, thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch để triển khai thực hiện. Dù tỉnh chưa cấp kinh phí hỗ trợ, huyện đã chủ động bố trí kinh phí và lồng ghép từ các nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, khoa học công nghệ, tín dụng ưu đãi hỗ trợ trên 1 tỷ đồng triển khai tuyên truyền, tập huấn, đầu tư trang thiết bị sản xuất cho các chủ thể; đăng ký, cấp tem, nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Đến nay, huyện Quản Bạ đã hỗ trợ cho 55 sản phẩm đăng ký và được cấp tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và hỗ trợ 30 sản phẩm đang là ý tưởng sản xuất của các chủ thể. Qua chấm điểm của hội đồng chuyên môn huyện, có nhiều sản phẩm đạt 3 đến 4 sao như: Mật ong Bạc hà, rượu ngô Thanh Vân, cao dược liệu, chè Shan tuyết... Ngoài ra, để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, huyện đã đầu tư xây dựng gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP; vận động các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP liên kết với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, các điểm bán hàng ở các khu, điểm du lịch trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm cho du khách.

Anh Lý Tà Rèn, Giám đốc HTX Cộng đồng Nặm Đăm – một trong những đơn vị được hỗ trợ và đăng ký thực hiện nhiều sản phẩm OCOP cho biết: “HTX chúng tôi hiện sản xuất khoảng 20 sản phẩm. Các sản phẩm khi chưa có tem, nhãn rất dễ bị khách hàng hoài nghi chất lượng. Thực hiện Đề án OCOP, huyện đã hỗ trợ đăng ký tem, nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc cho 12 sản phẩm của HTX. Những sản phẩm này hiện được người dùng tin tưởng và chủ động đặt mua trực tiếp qua điện thoại hoặc qua mạng internet nên số lượng bán ra tăng lên đáng kể”.

Theo nhận định của Giám đốc HTX Cộng đồng Nặm Đăm, cách triển khai Đề án OCOP theo hướng xuất phát từ nhu cầu của chủ thể đăng ký rất phù hợp. Bởi khi chủ thể yếu ở khâu nào sẽ được hỗ trợ trọng tâm vào khâu đó. Ngoài ra, hiện nay sản phẩm chủ yếu được làm thủ công, chi phí lớn, nếu nguồn vốn thực hiện Đề án OCOP có thể hỗ trợ cho các chủ thể về trang thiết bị, dây chuyền sản xuất sẽ giúp giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quản Bạ, Phạm Ngọc Pha cho biết: “Thực hiện Đề án OCOP, huyện có một số lợi thế như các sản phẩm chất lượng thực sự, được thị trường và người tiêu dùng đánh giá tốt, tận dụng được sự phát triển của du lịch để tiếp cận đa dạng người tiêu dùng, góp phần quảng bá, giới thiệu đến nhiều thị trường khác nhau. Qua hơn một năm triển khai, tư duy sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị của các chủ thể đã rõ nét hơn, hướng đến mục tiêu sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đảo bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; nguồn vốn hỗ trợ từ Đề án giúp các chủ thể có thêm động lực đầu tư, sản xuất. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, nên công tác quản lý, quản trị, tư duy sản xuất, kinh doanh và tính chủ động tìm kiếm thị trường của các chủ thể còn hạn chế. Chúng tôi đang khắc phục khó khăn trên để Đề án OCOP tiếp tục được triển khai hiệu quả”.

Năm 2019, huyện Quản Bạ được cấp 3,7 tỷ thực hiện Đề án OCOP. Nguồn vốn này sẽ tiếp tục được huyện hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực phát triển triển mạnh hơn và hỗ trợ chủ thể lực đăng ký tem, nhãn truy xuất nguồn gốc các sản phẩm; đồng thời tập huấn năng cao năng lực quản trị cho các chủ thể theo hướng “cầm tay chỉ việc” từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm; hỗ trợ xúc tiến thương mại, bao bì, mẫu mã sản phẩm.

Bài, ảnh: DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quản Bạ nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP

BHG - Chất lượng đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phân phối rộng rãi..., là những tiêu chí mà huyện Quản Bạ đã và đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhằm khẳng định thương hiệu và trở thành thói quen tiêu dùng trong đời sống hàng ngày của người dân. Thời gian qua,  huyện Quản Bạ đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực; qua đó...

29/08/2019
Ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký quyết địnhban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là One Commune One Product - OCOP, gọi tắt là Chương trình OCOP), gọi chung là Bộ Tiêu chí OCOP.

26/08/2019
Cán bộ khuyến nông tâm huyết với giống cây đặc sản địa phương

BHG - Nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì gần 11 km, xã Chiến Phố có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng các loại cây ăn quả, như: Lê đường, Mận máu, Hồng không hạt... Hiện, tổng diện tích cây Lê đường và Mận máu ở Chiến Phố có trên 65 ha; trong đó, trên 11 ha đang cho sản phẩm, với giá bán dao động từ 25 đến 40.000 đồng/kg. Những loài cây ăn quả nói trên đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân. 

25/06/2019
Cây mận Máu giúp người dân Hoàng Su Phì thoát nghèo

BHG - Huyện Hoàng Su Phì có trên 200 ha mận Máu; trong đó, hơn 70 ha cho thu hoạch, sản lượng hàng năm đạt trên 600 tấn quả, giá bán bình quân đạt trên 20.000 đồng/kg… Cây mận Máu đang mang lại nguồn thu đáng kể, giúp người dân từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Quả mận Máu Hoàng Su Phì thường chín vào đầu tháng 6, kéo dài đến trung tuần tháng 7. Năm nay thời tiết thuận lợi, mận Máu của huyện tiếp tục cho mùa vụ bội thu. Thực tế cho thấy...

20/06/2019