Nhận diện sản phẩm chủ lực địa phương qua Đề án OCOP
BHG - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Thông qua chương trình, các địa phương lựa chọn những sản phẩm độc đáo, đặc sản mang đặc trưng vùng, miền để xây dựng thương hiệu; nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân.
Sản phẩm vải lanh của HTX Hợp Tiến, xã Lùng Tám (Quản Bạ) luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Là tỉnh có nhiều tiểu vùng khí hậu, tài nguyên phong phú và là nơi giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc…, nên Hà Giang có điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm mang đặc trưng vùng như: Cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, thịt bò vùng cao, Hồng không hạt, gạo Già dui, dược liệu… Trước đây, khi chưa thực hiện chương trình OCOP, các sản phẩm mang thế mạnh vùng tuy đã được các địa phương chú trọng phát triển, nhưng sản xuất đang mang tính nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn mác và thị trường tiêu thụ.
Tháng 3.2018, UBND tỉnh phê duyệt Đề án OCOP; Sở NN&PTNT chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn tạm thời thực hiện chu trình OCOP, Bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm tạm thời để các huyện, thành phố có cơ sở triển khai thực hiện. Hiện nay, các địa phương đang thực hiện được 3/6 bước trong chu trình OCOP thường niên, gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn; nhân ý tưởng sản phẩm và nhận kế hoạch kinh doanh. Các huyện, thành phố đã lựa chọn, đăng ký 137 sản phẩm của 16 doanh nghiệp, 76 HTX, 9 tổ hợp tác, 36 hộ gia đình để thực hiện Đề án OCOP năm 2019. Các sản phẩm được chia theo 6 nhóm: Nhóm sản phẩm thực phẩm có 70 sản phẩm; nhóm sản phẩm đồ uống có 45 sản phẩm; nhóm sản phẩm thảo dược có 17 sản phẩm; nhóm sản phẩm vải và may mặc có 1 sản phẩm và nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn có 4 thôn, bản đăng ký thực hiện. Kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án OCOP năm 2019 trên 23 tỷ đồng, các sản phẩm đăng ký thực hiện Đề án OCOP phần lớn là những sản phẩm đã có sẵn tại địa phương, được sản xuất, kinh doanh dựa trên tiềm năng, thế mạnh của vùng về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, kinh nghiệm sản xuất của người dân.
Quản Bạ là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh trong đẩy mạnh triển khai Đề án OCOP. Bằng những cách thức rất riêng, mỗi chủ thể OCOP của huyện đều biết cách để tạo nên điểm nhấn cho sản phẩm của mình từ vùng nguyên liệu sẵn có. Toàn huyện hiện có 85 sản phẩm đặc trưng theo Đề án OCOP; trong đó, có 55 sản phẩm đã có tem, nhãn mác được truy xuất nguồn gốc và 30 sản phẩm ý tưởng. Năm 2019, huyện đã lựa chọn 16 sản phẩm chủ lực của địa phương để tập trung triển khai thực hiện gồm: Mật ong hoa Xuyến chi; mật ong rừng; mật ong Bạc hà; Hồng không hạt; rượu ngô Thanh Vân; rượu Pú Y; chè Shan tuyết; cao Astiso; cao ống bẻ Astiso; cao mạnh gân; cồn xoa bóp; dầu tía tô trắng; trà gừng Cao nguyên đá; trà Giảo cổ lam; dệt lanh... Đây đều là những sản phẩm đặc trưng, dựa trên lợi thế có sẵn của huyện. Giám đốc HTX Cộng đồng Nặm Đăm (Quản Bạ) Lý Tà Dèn chia sẻ: “Từ nguyên liệu là các loại cây dược liệu được trồng tại địa phương và kinh nghiệm sản xuất của cộng đồng người Dao, HTX đã tạo ra các sản phẩm đặc trưng riêng có của vùng núi Quản Bạ. Thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm của HTX ngày càng được nâng cao về chất lượng, thương hiệu và được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Hiện, HTX đang áp dụng việc quản lý chất lượng sản phẩm dược liệu Trà gừng Cao nguyên đá theo tiểu chuẩn ISO; tập trung mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm”.
Đồng chí Hoàng Hồng Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác (Sở NN&PTNT) chia sẻ: “Nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm chủ lực của địa phương chính là tinh thần của chương trình OCOP. Với thiết kế bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã số, mã vạch, nhãn hiệu hàng hoá, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Đề án OCOP là “cú hích” lớn cho sản phẩm chủ lực địa phương vươn ra thị trường. Thông qua OCOP, sản phẩm chủ lực mang giá trị đặc sắc các vùng miền sẽ được người tiêu dùng nhận diện”.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc