Tạo động lực phát triển bền vững cây cam Sành

16:37, 23/01/2022

BHG - Chỉ trong thời gian hơn 1 tháng, lần lượt các quyết sách quan trọng của cấp ủy, chính quyền tỉnh về phát triển bền vững cây cam Sành ra đời. Từ chủ trương, cơ chế chính sách đến giải pháp tổ chức thực hiện được triển khai đồng bộ, tạo động lực mạnh mẽ nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu cam Sành Hà Giang.

Cam Sành Hà Giang được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Cam Sành Hà Giang được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Cam Sành có giá trị kinh tế cao, được xác định là cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, phân bố tập trung tại 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên với tổng diện tích trên 6.600 ha, chiếm 82,4% diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh. Trong đó, diện tích cho thu hoạch là hơn 5.600 ha, năng suất bình quân đạt 103 tạ/ha. Sản phẩm cam Sành đã được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, từng bước chiếm lĩnh thị trường, được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, thực tiễn sản xuất cam cũng chỉ ra không ít bất cập: Việc phát triển cây cam Sành không theo quy hoạch, chưa có định hướng; đầu tư thâm canh thấp, chưa áp dụng chăm sóc theo quy trình kỹ thuật bảo tồn gen dẫn tới mẫu mã quả xấu, không đồng đều, chất lượng quả còn chua, nhiều hạt... Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định do chưa có cơ chế, chính sách; chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào bảo quản, chế biến sản phẩm…

Khắc phục những hạn chế trên, ngày 1.12.2020, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Ngay sau đó, ngày 9.12.2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 58 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành. Tiếp đến, ngày 7.1.2021, UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Và sau 1 năm thực hiện, những quyết sách quan trọng trên từng bước chứng minh tính hiệu quả.

 Sau thâm canh, nhiều vườn cam Sành tại huyện Bắc Quang cho quả đồng đều, mẫu mã đẹp, chất lượng được nâng lên.    			Ảnh: THU PHƯƠNG
Sau thâm canh, nhiều vườn cam Sành tại huyện Bắc Quang cho quả đồng đều, mẫu mã đẹp, chất lượng được nâng lên. 

Từ Nghị quyết số 58, đã có 104 hộ thuộc huyện Bắc Quang (62 hộ), Quang Bình (33 hộ), Vị Xuyên (9 hộ) được vay vốn số tiền gần 12 tỷ đồng để đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cam Sành với tổng diện tích hơn 200 ha. Từ nguồn vốn vay ưu đãi (tối đa 60 triệu đồng/ha) không lãi suất trong thời hạn 36 tháng đã tạo nguồn lực không nhỏ để các hộ nâng cao chất lượng cam Sành thông qua các hoạt động, như: Làm đường giao thông nội vườn, xây dựng hệ thống tưới, đầu tư thâm canh, cải tạo đất trồng, chỉnh trang vườn, cắt tỉa tạo tán… Ngay sau khi giải ngân nguồn vốn vay, UBND huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay tại 104 hộ dân. Kết quả cho thấy, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích. Và sau 1 năm đầu tư nâng cao chất lượng cam Sành đã kết tinh thành quả ngay trong niên vụ 2021 – 2022.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và nhiều hộ dân: Lợi nhuận sau khi trừ chi phí đầu tư của nhà vườn tăng từ 21 – 24 triệu đồng/ha so với trước khi vay vốn đầu tư nâng cao chất lượng cam Sành, theo Nghị quyết số 58. Nhờ được vay vốn, các hộ trồng cam đầu tư thâm canh đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cam sinh trưởng, phát triển tốt, lá xanh đậm, quả đồng đều, mẫu mã đẹp. Chất lượng cam Sành được nâng lên khi cam loại I chiếm tỷ lệ khoảng 70-80%, độ ngọt (brix) bình quân trên 10,15% và trọng lượng đạt 4 quả/kg. Nhờ có vốn, hộ trồng cam còn đầu tư chỉnh trang vườn, cắt tỉa, tạo tán; xây dựng nhãn hiệu riêng, đầu tư tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng đường giao thông thuận lợi cho công tác vận chuyển, thu hái, giảm tỷ lệ quả bị hỏng do thu hái, vận chuyển gây ra. Hơn nữa, quá trình sản xuất cam tuân thủ đúng quy trình VietGAP đã góp phần cải tạo đất, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển bền vững; tạo sản phẩm cam có chất lượng tốt hơn…

Không dừng ở kết quả trên, Trung tâm Khoa học, kỹ thuật Giống cây trồng Đạo Đức (Vị Xuyên) hiện hoàn thiện các thủ tục theo quy định, để được hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ 320 triệu đồng trong việc bảo tồn gen cây cam Sành đầu dòng (dự kiến 640 cây cam) và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất giống tốt. Qua đó, nhằm tạo ra nguồn giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh cung cấp cho diện tích trồng mới thay thế diện tích cam già cỗi, nhân giống tốt và chuyển giao kỹ thuật. Mặt khác, từ các chính sách thu hút của tỉnh, Công ty TNHH – Tổng Công ty Gia Long đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục đầu tư xây dựng Nhà máy giữ cam tươi thành phẩm tại thôn Khuổi Ít, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) để chế biến nước cam, rượu cam, bánh kẹo cam. Theo Nghị quyết số 58, khi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm cây ăn quả có múi, doanh nghiệp được nhận ưu đãi của tỉnh trong việc hỗ trợ 100% chi phí đền bù, giải phóng mặt; hỗ trợ xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào (như cấp điện, nước, đường giao thông, xử lý nước thải) và hỗ trợ theo thực tế của dự án với kinh phí tối đa 2 tỷ đồng/dự án…

Những kết quả ấn tượng trên là tiền đề quan trọng để tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025 duy trì ổn định 5.000 ha cam Sành gắn với cải tạo, áp dụng đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, hướng tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, phát triển cây cam Sành gắn với phát triển ngành Nông nghiệp hàng hóa đặc trưng để nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân.

Bài, ảnh:  THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giữ nhịp tăng trưởng kinh tế

BHG - Năm 2021 dù đối diện muôn vàn khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhưng với sự quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã giúp tỉnh ta duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Các mục tiêu đặt ra cơ bản hoàn thành và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

31/12/2021
Cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp dân cải tạo vườn tạp

BHG - Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn có thu nhập khá cho trên 6.500 hộ, tương ứng trên 6.500 vườn.

28/02/2021
Cải tạo vườn tạp "cải tạo tư duy"
BHG - Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” xác định mục tiêu cốt lõi là chuyển đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính mảnh đất vườn của mình, từ đó tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải tạo vườn tạp (CTVT) của tỉnh nhiều lần nhấn mạnh: “Muốn cải tạo vườn tạp, trước hết phải cải tạo tư duy”.
27/11/2021
Xuống đồng ngày Xuân

BHG - Vui Xuân nhưng không quên nhiệm vụ nhà nông, tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh rộn ràng xuống đồng gieo cấy vụ Xuân. Không khí lao động khẩn trương, hối hả ở các vùng sản xuất trọng điểm, hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi. 

26/02/2021