Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công thương một năm nỗ lực vượt khó
BHG - Với nhiệm vụ là hỗ trợ công tác khuyến công; công tác xúc tiến thương mại và tiết kiệm năng lượng, trong năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới cũng như đặc thù là tỉnh miền núi biên giới. Nhưng với sự nỗ lực, vượt khó của mỗi cán bộ, nhân viên của Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương (Sở Công thương) đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần không nhỏ cho sự phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm Occop của tỉnh nhà. Để hiểu hơn những kết quả đạt được, Báo Hà Giang điện tử có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương.
Đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương. |
Pv: Đồng chí cho biết những kết quả đạt được trong năm 2023 của Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công thương Hà Giang?
Đồng chí Lê Thị Thu Hằng. Trong năm 2023, công tác khuyến công tiếp tục hỗ trợ ở những nội dung cụ thể, thiết thực theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), ưu tiên hỗ trợ về ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất. Theo kế hoạch được giao, kinh phí khuyến công Quốc gia và khuyến công địa phương sẽ hỗ trợ cho 13 đề án và một số nhiệm vụ chi với tổng số kinh phí là 2.634,6 triệu đồng. Trong đó, khuyến công Quốc gia hỗ trợ 1 đề án nhóm (gồm 3 đơn vị thụ hưởng) với số kinh phí là 900 triệu đồng, khuyến công địa phương hỗ trợ 12 đề án và một số nhiệm vụ chi phục vụ với số kinh phí là 1.734,6 triệu đồng. Tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan trong quá trình triển khai nên chỉ hoàn thành 5 đề án và một số nhiệm vụ chi phục vụ, với tổng số kinh phí là 1.646,6 triệu đồng.
Các nội dung được hỗ trợ rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu và giúp cho các cơ sở CNNT trang bị những thiết bị hiện đại, đi vào hoạt động sản xuất ổn định, góp phần nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế của sản phẩm qua chế biến, cung cấp cho thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn và chất lượng
Bên cạnh đó, công tác khuyến công còn phối hợp lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu tại một số sự kiện liên vùng trong và ngoài tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Cạn …
Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương giới thiệu các sản phẩm OCCOP của Hà Giang cho các đại biểu. |
Công tác xúc tiến thương mại đã trực tiếp tham gia và hỗ trợ các đơn vị tham gia các chương trình kết nối giao thương, sự kiện xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước. Tổ chức các sự kiện gắn với Hội nghị văn hoá và Lễ hội Hoa Tam giác mạch theo kế hoạch của UBND tỉnh. Tổ chức 2 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại huyện Yên Minh và Vị Xuyên. Hỗ trợ xây dựng 3 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang tại thành phố Hà Giang và huyện Xín Mần, Yên Minh. Tham gia Chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2023” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phối hợp tổ chức không gian thưởng trà và không gian giới thiệu sản phẩm OCOP sản phẩm tiêu biểu của tỉnh gắn với Kế hoạch triển khai tuyến phố đi bộ của UBND thành phố Hà Giang. Duy trì hoạt động của các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiêu biểu của tỉnh; sàn giao dịch thương mại điện tử và Fanpage facebook đặc sản Hà Giang.
Công tác tiết kiệm năng lượng, đã tích cực tuyên truyền hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023. Triển khai xây dựng hoàn thiện hệ thống chiếu sáng sử dụng mặt trời kết hợp gió tại khu vực Đèo Mã Pì Lèng huyện Mèo Vạc. Hỗ trợ lắp đặt bóng đèn năng lượng mặt trời và bóng đèn đường LED 30W tại một số xã trên địa bàn huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình.
Pv. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến công và xúc tiến công thương còn có những khó khăn, hạn chế như thế nào?
Đồng chí Lê Thị Thu Hằng. Có thể nói trong năm 2023, thế giới có nhiều biến động, lạm phát và suy thoái kinh tế cũng ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tại tỉnh ta. Cùng với đó do đặc điểm là một tỉnh miền núi, không có lợi thế để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất chế biến nông lâm sản và hàng tiêu dùng nên số lượng các cơ sở CNNT đăng ký hỗ trợ và đảm bảo được tiêu chí của kế hoạch khuyến công còn ít. Các cơ sở CNNT đăng ký nhu cầu hỗ trợ nhưng khi kiểm tra năng lực thì đa phần không có tính khả thi thực hiện đề án. Một số đơn vị khó khăn về nguồn vốn nên đề nghị dừng thực hiện đề án, đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Đối với công tác Xúc tiến thương mại, số lượng tiêu thụ sản phẩm hàng hoá trên sàn thương mại điện tử chưa được nhiều do việc ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành kinh doanh gian hàng của các đơn vị còn rất hạn chế.
Công tác tác tiết kiệm năng lượng hỗ trợ lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng còn khó khăn, vướng mắc do địa phương không có nguồn kinh phí đối ứng, phải thực hiện xã hội hoá.
Pv. Vậy, giải pháp của Trung tâm trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thị Thu Hằng. Xác định nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, Trung tâm cũng đã nhìn nhận, đánh giá và đề ra những giải pháp cụ thể khắc phục như, tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đặc biệt là nội dung đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Giang” giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 để bám sát nhu cầu thiết thực của địa phương và hỗ trợ các đề án có trọng tâm, trọng điểm theo đúng định hướng, chỉ đạo của UBND tỉnh. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa với Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành phố và chủ động, trực tiếp liên hệ, tư vấn, hướng dẫn cho các cơ sở CNNT trong việc lựa chọn nội dung hỗ trợ, thẩm tra năng lực, xây dựng đề án ... đảm bảo tiến độ và chất lượng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch khuyến công địa phương hàng năm.
Về công tác xúc tiến thương mại, trung tâm sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại; tiếp tục công tác truyền thông trên các nền tảng số đa dạng hóa các hình thức thực hiện phù hợp đối với từng đối tượng khách hàng và từng sản phẩm ... để quảng bá, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp trong công tác quảng bá sản phẩm và tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh đối mới công tác giao thương, kết nối cung cầu và công tác thu thập, cập nhật thông tin về thị trường tiêu thụ, giá cả thị trường ... để đảm bảo thiết thực và hiệu quả hơn.
Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh để nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình và cả cộng đồng về ý nghĩa và biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Pv. Đồng chí cho biết phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024
Đồng chí Lê Thị Thu Hằng. Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong năm 2023. Năm 2024, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công thương tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung hoạt động theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả ... để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hoạt động phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương.
Triển khai có hiệu quả kế hoạch khuyến công 2024 theo phê duyệt. trong đó, lực chọn doanh nghiệp, hợp tác xã và các sản phẩm đặc sản tiềm năng thế mạnh của địa phương như: chè, mật ong, chế tác đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm sạch… để tiến hành hỗ trợ sản xuất và xây dựng chất lượng tiêu chuẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm cho từng sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mẫu mã bao bì sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị và thân thiện với môi trường. Lựa chọn những sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh đi quảng bá, xúc tiến tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. Nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đặc biệt là nội dung đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Giang” giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 để bám sát nhu cầu thiết thực của địa phương và hỗ trợ các đề án có trọng tâm, trọng điểm. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa với Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố và chủ động, trực tiếp liên hệ, tư vấn, hướng dẫn cho các cơ sở CNNT trong việc lựa chọn nội dung hỗ trợ, thẩm tra năng lực, xây dựng đề án ... đảm bảo tiến độ và chất lượng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch khuyến công địa phương hàng năm.
Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiêu biểu tại thị trường trong nước, trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và trên các nền tảng số; tại các hội nghị kết nối cung cầu và sự kiện XTTN ở các tỉnh, thành phố lớn. Trọng tâm là các sản phẩm như: Cam, chè shan tuyết, mật ong bạc hà, tinh bột nghệ, thực phẩm sạch, dược liệu ...
Pv xin cảm ơn đồng chí!
Thực hiện: Lê Lâm
Ý kiến bạn đọc