Khi nông sản lên “sàn”
BHG - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) trở thành giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nông nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ; góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Sản phẩm cam Sành của tỉnh được dán mã QR code và đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. |
Thời gian qua, khi các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công thương đã tích cực phối hợp với các ngành, tham mưu cho UBND tỉnh đổi mới phương thức xúc tiến thương mại; tư vấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, HTX thực hiện giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch TMĐT. Các hoạt động ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại được đẩy mạnh như: Xây dựng và duy trì hoạt động sàn TMĐT tỉnh (dacsanhagiang.net); phối hợp với các đơn vị (Tập đoàn FPT, Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Hà Giang…) hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX mở gian hàng trực tuyến trên các sàn giao dịch TMĐT (Sendo, Voso, Postmart) và tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn vận hành để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; Phối hợp với tập đoàn FPT thiết kế gian hàng triển lãm thực tế ảo 3D và truyền thông, quảng cáo sản phẩm của tỉnh trên nền tảng số…
Đến nay, các doanh nghiệp, HTX cơ bản vận hành tốt gian hàng trực tuyến trên sàn TMĐT, qua đó công tác tiêu thụ sản phẩm bước đầu đạt được những kết quả tích cực: Năm 2021, toàn tỉnh tiêu thụ được trên 120 tấn cam Vàng trên các sàn TMĐT như: Voso, Posmart, Sendo…với giá bán dao động từ 15 – 17 nghìn đồng/kg, tăng 5 – 7 nghìn đồng so với niên vụ trước. Để tiếp tục xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam cho nông dân, đầu năm 2022, UBND tỉnh phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam Hà Giang, niên vụ 2021 - 2022. Tại hội nghị, tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc tiêu thụ sản phẩm cam Hà Giang giữa 11 HTX sản xuất cam trên địa bàn với 5 đơn vị xuất, nhập khẩu và sàn giao dịch TMĐT.
Giám đốc HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang), Trần Trung Thuyết cho biết: Niên vụ cam 2021 – 2022, tổng sản lượng cam của HTX ước đạt trên 2.500 tấn. Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, HTX đã mạnh dạn đưa sản phẩm cam lên sàn TMĐT Posmart.vn. Các thành viên HTX đều nhận thức được rằng đây là cơ hội rất tốt để giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước; giúp chúng tôi mở rộng thị trường tiêu thụ một cách chủ động và bền vững.
Thông qua hoạt động TMĐT, các sản phẩm, hàng hóa nông sản đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh được quảng bá nhiều hơn, hình ảnh được thiết kế bắt mắt hơn, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước, góp phần tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, nguồn nhân lực, không có nhân viên quản trị mạng, dữ liệu công nghệ thông tin, quản trị các sản phẩm, gian hàng của mình trên sàn giao dịch TMĐT dẫn đến khó khăn, hạn chế trong việc tiếp nhận các thông tin, đơn hàng và giải quyết đơn hàng cho khách hàng. Hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp, HTX trên các sàn TMĐT chưa chuyên nghiệp từ khâu nhận đơn hàng, giới thiệu sản phẩm, chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, với đặc thù của một tỉnh miền núi, người dân ít được tiếp cận các hoạt động TMĐT, việc mua hàng trực tuyến hay thực hiện các giao dịch trên internet còn xa lạ với nhiều người dân vùng sâu, xa… gây ra những khó khăn không nhỏ trong việc đưa nông sản của địa phương lên sàn giao dịch TMĐT.
Căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương, tỉnh ta chủ động xây dựng kế hoạch đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản, trong đó đa dạng hóa các kênh phân phối nông sản địa phương, kết hợp hài hòa giữa phương thức tiêu thụ truyền thống với hiện đại và công nghệ số. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường đưa nông sản lên các sàn giao dịch TMĐT để tăng khả năng tiếp cận các thị trường cho doanh nghiệp, HTX.
Đồng chí Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành chủ động phối hợp tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng vận hành, ứng dụng TMĐT cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể. Tiếp tục kết nối, tăng số lượng các sàn TMĐT để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại tại địa phương; từng bước hình thành, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc