Phát triển vành đai thực phẩm ở Phương Thiện
BHG - Thực hiện chương trình phát triển vành đai thực phẩm hàng hóa an toàn, chất lượng trên địa bàn thành phố Hà Giang, xã Phương Thiện đã tập trung vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng sản xuất rau an toàn, chất lượng, phát triển chăn nuôi; tăng cường giám sát chất lượng, nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, tạo bước chuyển trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Xã Phương Thiện có nhiều tiềm năng trong phát triển vành đai thực phẩm với diện tích đất nông nghiệp lớn, khí hậu phù hợp cho việc sản xuất nhiều loại rau, củ, quả; người dân có tư duy đổi mới trong phát triển kinh tế, tự giác, tích cực nhân rộng các mô hình hiệu quả. Dưới sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, diện tích trồng rau, hoa trên địa bàn ngày càng tăng. Đến nay, toàn xã có 200 ha rau cho thu hoạch thường xuyên, chủ yếu là các giống rau, quả ngắn ngày và hoa Tam giác mạch. Cùng với đó, xã khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng dưa chuột, dưa hấu ở những thôn có khí hậu phù hợp để nâng cao thu nhập. Hiện, toàn xã có 11,5 ha dưa hấu với năng suất đạt 12 tấn/ha, sản lượng đạt 150 tấn.
Người dân thôn Châng, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) tích cực trồng rau an toàn. |
Ông Cháng Văn Páo, thôn Cao Bành chia sẻ: Được sự hướng dẫn của cán bộ xã, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển diện tích đất vườn tạp sang trồng rau, đậu theo mùa vụ phục vụ thị trường. Với các loại rau như bắp cải, su hào, bí đỏ, xà lách, rau muống, rau cải... mùa nào thức nấy, gia đình chịu khó chăm sóc và thu hoạch, mang ra chợ bán cũng đem lại thu nhập khá ổn định. Ngoài ra, gia đình tôi còn trồng hơn 300m2 dưa chuột, với chất lượng quả giòn, ngọt, giá bán từ 10 – 15 nghìn đồng/kg. Tôi nhận thấy việc trồng các loại rau, củ, quả đem lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa, ngô truyền thống. Đặc biệt, gia đình tích cực trồng rau theo hướng hữu cơ, an toàn để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời giúp rau ít bị sâu bệnh hại, năng suất cao hơn.
Cùng với đó, xã tập trung vận động nhân dân phát triển chăn nuôi, nhân rộng các mô hình gia trại, trang trại. Đến cuối năm 2023, đàn gia cầm của xã có trên 29.500 con; đàn trâu 186 con; đàn lợn 1.533 con. Nhiều mô hình nuôi lợn đen địa phương, nuôi gà quy mô lớn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trong đó, có thể kể đến mô hình chăn nuôi gà thương phẩm của gia đình chị Nguyễn Thị Ngãi, thôn Châng. Chị Ngãi cho biết: Tận dụng lợi thế đất vườn rộng, gia đình tôi đã đầu tư nuôi gà theo hướng thả đồi với tổng đàn duy trì thường xuyên trên 1.000 con. Nuôi gà ta thả vườn rất dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, đàn gà phát triển nhanh, hơn nữa chất lượng thịt cũng rất thơm, ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì thế giá bán cũng cao hơn, đạt khoảng 150 nghìn đồng/kg và được các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống đặt mua, gia đình tôi không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Trong quá trình chăn nuôi, tôi luôn chú trọng phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, cung cấp thêm rau xanh để gà phát triển tốt và cho chất lượng thịt thơm, ngon nhất.
Thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, năm 2023 xã có 9 hộ thực hiện, trong đó có 6 hộ được thụ hưởng chính sách Nghị Quyết 58 của HĐND tỉnh. Các gia đình sau khi được giải ngân nguồn vốn đã đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng rau màu, cây ăn quả, bước đầu đem lại hiệu quả tốt, đóng góp tích cực trong thực hiện Dự án vành đai thực phẩm hàng hóa trên địa bàn. Điển hình có thể kể đến mô hình cải tạo vườn mẫu của gia đình bà Bùi Thị Tám, thôn Châng. Với diện tích đất vườn đồi rộng 1,2 ha, bà đầu tư trồng Thanh long ruột đỏ từ năm 2021; sau 2 năm đã bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2022, gia đình tiếp tục mở rộng thêm diện tích 3.300 m2 trồng các loại cây ăn quả như xoài, mít, Hồng xiêm, Hồng không hạt... góp phần cung ứng các loại trái cây sạch, an toàn cho người tiêu dùng trên địa bàn.
Cùng với đó, chính quyền xã tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học; quản lý, sử dụng thuốc trừ cỏ; xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật; tập huấn sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP... cho nông dân. Từ đó, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cho thành phố.
Bài, ảnh: YÊN HOA
Ý kiến bạn đọc