“Đòn bẩy” giảm nghèo từ tín dụng chính sách
BHG - Là trụ cột trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) được các cấp, ngành tích cực triển khai đã tạo ra thay đổi rõ nét trong đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Xín Mần hiện đang triển khai, quản lý cho vay 19 chương trình TDCS với tổng dư nợ trên 390 tỷ đồng/8.000 khách hàng. Từ nguồn vốn TDCS, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tiêu biểu có gia đình ông Sùng Văn Sinh, thôn Suôi Thầu, thị trấn Cốc Pài; là một hộ nghèo, được tiếp cận với nguồn vốn TDCS, ông Sinh xây dựng chuồng trại, đầu tư chăn nuôi trâu. Có vốn trong tay và sự cần cù, chịu khó, việc chăn nuôi của gia đình rất thuận lợi, từ tiền bán trâu, nghé hàng năm, ông Sinh trồng cây ăn quả, dược liệu và đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Người dân xã Phong Quang (Vị Xuyên) phát triển kinh tế từ vốn vay tín dụng chính sách. |
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng Nông thôn mới, thời gian qua, các chương trình TDCS được tỉnh ta đặc biệt chú trọng triển khai. Trong đó, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TDCS xã hội”. Cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao trách nhiệm, thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động TDCS. Công tác điều tra, xác định đối tượng vay vốn được triển khai đúng quy định; các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH bình xét đối tượng vay vốn và giám sát thu hồi nợ, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả. Cùng với đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH, chất lượng TDCS toàn tỉnh duy trì ổn định; 11 huyện, thành phố có chất lượng hoạt động TDCS ở cấp xã, phường, thị trấn xếp loại tốt.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp hộ nghèo xã Thắng Mố (Yên Minh) phát triển chăn nuôi. |
Hoạt động cho vay TDCS hiện nay được triển khai đến tất cả 193 xã, phường, thị trấn, đặc biệt ưu tiên các đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách. Toàn tỉnh triển khai cho vay theo 19 chương trình TDCS, một số gói vay có tỷ lệ dư nợ cao như: Vay hộ nghèo; cận nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; nước sạch và vệ sinh môi trường; hỗ trợ tạo việc làm… Hết năm 2023, tổng dư nợ Ngân hàng CSXH đạt trên 4.998 tỷ đồng/94.822 khách hàng, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Trong đó, có trên 31.000 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn. Kết quả thực hiện TDCS xã hội đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với thực tiễn tình hình KT – XH, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân. Từ nguồn vốn TDCS, các hộ từng bước phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2023, tổng số hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm 13.024 hộ.
Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động TDCS, tham mưu bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách. Tập trung ưu tiên nguồn vốn ủy thác, thực hiện tốt các chương trình TDCS được Chính phủ giao và các chương trình tín dụng, đối tượng thụ hưởng do địa phương, các tổ chức, đơn vị giao vốn ủy thác. Phấn đấu 100% người nghèo, đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn TDCS.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc