Thay đổi tư duy để tháng Giêng không là tháng… ăn chơi!
BHG - Không ít người xưa nay thường có quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Trong đời sống văn hóa của dân tộc ta, thời điểm sau Tết - mùa Xuân, nhiều làng quê cả nước thường tổ chức lễ hội Xuân cho đến hết tháng 3 âm lịch. Tâm lý làm cả năm phải có ngày Tết, ngày Xuân đã ăn sâu vào tiềm thức của không ít người. Chính bởi vậy trong quan niệm của không ít người, tháng Giêng là tháng xả hơi, nghỉ ngơi và vui chơi. Cho dù đã có những ngày nghỉ Tết khá dài, nhưng ra Giêng ở nơi nào đó tâm lý vui chơi vẫn còn, ta vẫn bắt gặp những cuộc vui, chè chén, lễ lạt, du Xuân dềnh dàng. Điều này khiến cho khí thế ra quân đầu năm, năng suất, chất lượng lao động ở nhiều lĩnh vực bị giảm đi.
Tháng Giêng với tâm lý xả hơi, chơi Xuân, khiến cho công việc ở đâu đó dễ bị chểnh mảng. Sau những ngày Tết, đặc biệt là những năm mà người lao động ở các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước được nghỉ dài ngày, dễ dẫn đến tâm lý ngại trở lại lao động, sức ỳ từ những ngày ăn Tết, từ những chén rượu chúc tụng năm mới càng dễ khiến cho năng suất lao động những ngày tháng Giêng thường không cao. Sau những ngày Tết trở lại làm việc, vẫn còn đâu đó người lao động có tâm trạng uể oải, sự thiếu tập trung với biểu hiện của tâm lý…tháng Giêng.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân xã Phú Linh, Vị Xuyên làm đất trồng màu vụ Xuân. |
Câu nói “Tết cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” còn in sâu, bởi vậy ngay sau Tết là tâm lý ăn Rằm tháng Giêng. Người này mời người kia, nhóm này mời nhóm kia mời nên rất dễ dẫn đến cả tháng Giêng vẫn còn vui chơi, tiệc tùng. Vui thì có vui, nhưng điều này rõ ràng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, người lao động khi “tâm lý tháng Giêng” chi phối khiến cho động lực quay trở lại làm việc bị ảnh hưởng.
Chúng ta đang hòa nhịp trong thời đại 4.0, chuyển đổi số, nền kinh tế số đang đang hiện diện trong đời sống. Điều này giúp cho sự phát triển KT – XH diễn ra nhanh, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Quan điểm chỉ đạo hàng năm của Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương cần phải bắt tay vào việc ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều đơn vị, đặc biệt là các đơn vị thi công các công trình trọng điểm quốc gia đã động viên người lao động vượt qua tâm lý phải “nghỉ Tết, chơi Xuân” để đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình. Và ngay trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chúng ta có thể thấy nhiều đơn vị của lực lượng Công an đã thực hiện trực 100% quân số để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông dịp Tết… Hình ảnh người công nhân môi trường trong thời khắc cuối năm và những ngày đầu năm mới vẫn miệt mài vệ sinh môi trường cho người dân vui Xuân đón Tết mới thấy, nếu không có trách nhiệm của từng người, từng đơn vị, từng ngành thì chúng ta sẽ không thể có được sự ổn định và phát triển của đời sống xã hội.
Và ngay tại tỉnh ta, một trong những tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhất cả nước, những năm qua và năm nay, tại các cuộc họp, các cuộc thăm chúc Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh không chỉ nhắc đến vấn đề đảm bảo an sinh, an ninh trật tự xã hội mà còn đề ghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh cần bắt tay thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị mình một cách quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024.
Tết của thời hiện đại không chỉ mang ý nghĩa sum vầy, đoàn viên mà còn để tạo thêm động lực vươn lên trong năm mới cho mọi nhà. Vì thế, chúng ta không nên để cho tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” chi phối, bởi cuộc sống đã chuyển dịch và hội nhập với công nghiệp hóa, hiện đại hóa; sự phát triển của đời sống KT – XH, hội nhập quốc tế đã đem đến sự đổi thay từ nông thôn đến thành thị. Giờ đây chúng ta không chỉ sản xuất 1 vụ, 2 vụ, nhiều nơi từ bao lâu nay đã làm 4 vụ với quan điểm “không để cho đất nghỉ”; nhiều công trường nhà máy làm 3 ca 4 kíp như các nước công nghiệp; nhiều làng quê có lớp lớp những thanh niên đi xuất khẩu lao động tại các nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu… Dịp Tết cổ truyền chắc chắn ai cũng muốn về bên gia đình, nhưng vì yêu cầu công việc, kỷ luật của môi trường lao động công nghiệp hiện đại, nhiều người đã vững vàng tinh thần đón Tết xa quê. Từ đó, tạo ra những nguồn lực để gửi về làm giàu cho gia đình, quê hương.
Sự quyết tâm, quyết liệt thúc đẩy đổi mới, phát triển đất nước của Đảng, Chính phủ, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân đã và đang đem đến phát triển, đổi thay mạnh mẽ đời sống đất nước. Tại Hà Giang, dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đang được các nhà thầu, công nhân chăm chỉ đẩy mạnh tiến độ với quan điểm “vượt nắng, thắng mưa”, tranh thủ từng ngày, từng giờ để sớm hoàn thành công trình theo tiến độ, mở ra tuyến đường có ý nghĩa chiến lược trong phát triển KT – XH của tỉnh. Muốn phát triển, vươn lên để đời sống ngày càng ấm no, thịnh vượng, tất cả đòi hỏi chúng ta phải có một tư duy công nghiệp, tinh thần đổi mới và sáng tạo. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải từng bước thay đổi tư duy “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, “Tết cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”, thay vào đó là quan điểm như chính câu ca dao: “Tháng Chạp thì mắc trồng khoai/tháng Giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà/tháng ba cày vỡ ruộng ra/tháng tư bắc mạ thuận hòa mọi nơi”.
Bài, ảnh: Huy Toán
Ý kiến bạn đọc