Nâng tầm giá trị, thương hiệu nông sản

12:27, 10/02/2024

BHG - 10 giống cây trồng bản địa được công nhận lưu hành đặc cách; 66 vùng trồng trọt đầu tiên được cấp mã số. Đây là những kết quả quan trọng giúp ngành Nông nghiệp tỉnh nhà thực hiện chiến lược kép: Vừa bảo tồn nguồn gen quý các giống cây trồng bản địa, vừa góp phần phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Nâng tầm cây trồng bản địa

Toàn tỉnh hiện có trên 91.000 ha lúa và ngô. Trong đó, các giống lúa, ngô bản địa có diện tích hơn 10.000 ha, chiếm 11% diện tích lúa, ngô toàn tỉnh. Đây là những loại cây trồng không chỉ gắn bó với đời sống, văn hóa, phong tục của đồng bào các dân tộc nơi cực Bắc Tổ quốc mà còn góp phần ổn định an ninh lương thực, phục vụ đời sống nhân dân. Tuy nhiên, các giống cây trồng bản địa sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh nên giá trị sản xuất còn thấp và chưa có giống cây trồng nào mang thương hiệu của tỉnh.

Giống lúa nếp Hữu Sản (Bắc Quang) đã được công nhận lưu hành đặc cách.
Giống lúa nếp Hữu Sản (Bắc Quang) đã được công nhận lưu hành đặc cách.

Xuất phát từ thực tế trên, đầu năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) – Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập thông tin 8 giống lúa, 2 giống ngô tại 8 huyện để lập hồ sơ đề nghị và được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành đặc cách 10 giống cây trồng bản địa, gồm: Lúa tẻ Khẩu Mang (Đồng Văn), lúa nếp Râu Yên Minh (Yên Minh), lúa nếp Quảng Nguyên, Nủ Cư, lúa tẻ Già Dui (Xín Mần), lúa tẻ Gạo Đỏ Bản Phùng (Hoàng Su Phì), lúa tẻ nương Bắc Mê (Bắc Mê), lúa nếp Hữu Sản (Bắc Quang); ngô nếp Núi Đá, ngô tẻ Vàng Hà Giang thuộc các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Kết quả điều tra của ngành chuyên môn cho thấy: Các giống lúa đặc sản địa phương có năng suất từ 39,2 – 53,8 tạ/ha; giống ngô cho năng suất từ 32,2 – 34,7 tạ/ha. Các giống cây trồng bản địa đều có chất lượng thơm ngon đặc trưng, có giá trị cao về kinh tế, đảm bảo an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Hơn nữa, các giống lúa, ngô này đều có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh hại, một số giống gieo trồng cả 2 vụ Xuân và Mùa/năm.

“Giấy thông hành” của nông sản

Mã số vùng trồng (MSVT) là định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng và là tiêu chí thành phần bắt buộc để cấu thành tiêu chí số 13 Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM). Như vậy, MSVT được ví như “giấy thông hành” nhằm đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; tạo đà để nông sản vươn xa, không chỉ được kết nối tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn bắt kịp xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại, hướng tới mục tiêu xuất khẩu nông sản chính ngạch ra thị trường quốc tế - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, Giang Đức Hiệp cho biết.

Với ý nghĩa quan trọng trên, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tiến hành khảo sát hiện trạng các cây trồng chủ lực để lập hồ sơ cấp MSVT. Trong tháng 1 vừa qua, toàn tỉnh đã có 66 vùng trồng trọt đầu tiên được cấp mã số, bao gồm 5 đối tượng cây trồng (lúa, cam, chè, Thanh long và rau, đậu các loại) với tổng diện tích 926 ha và 1.620 hộ trong vùng trồng được cấp mã số thuộc địa bàn các huyện: Bắc Quang (33 mã số), Quang Bình (16 mã số), Vị Xuyên (7 mã số), thành phố Hà Giang (10 mã số). Anh Hoàng Phong Thương, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) không giấu được niềm vui: Gia đình tôi đã được trao Giấy xác nhận cấp MSVT cho 5,7 ha lúa Tẻ nương. Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm hướng dẫn của cơ quan chuyên môn: Ghi chép, lưu trữ hồ sơ về truy xuất nguồn gốc và cập nhật thường xuyên các thông tin theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quản lý MSVT; không chuyển đổi cây trồng hoặc mục đích sử dụng so với đăng ký ban đầu đối với vùng trồng đã được cấp mã số.

Có thể khẳng định, những kết quả trên chính là “cú hích” nâng tầm giá trị, thương hiệu nông sản của tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện chiến lược về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Áo mới” Vị Xuyên
BHG - ​​​​​​​Xuân đang về trên những công trình trọng điểm, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, mảnh vườn xanh đầy hoa, trái sau cải tạo, gương mặt e ấp nụ cười của cô gái người Dao, người Tày trên đường trẩy hội, trong ngôi nhà mới của hộ nghèo. Người người tưng bừng sắm Tết, trẻ con nô nức, rộn ràng, hàng hóa đủ đầy, chất lượng... Không khí phấn khởi, niềm vui Xuân càng nhân lên khi huyện Vị Xuyên vừa vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất đúng vào dịp “sinh nhật” Đảng bộ huyện tuổi 75.
10/02/2024
Những mảnh vườn Xuân
BHG - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 1.12.2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; những mảnh vườn tạp được cải tạo dường như xanh thêm trong tiết trời Xuân mới 2024.
09/02/2024
Đảm bảo cung ứng nước sạch cho người dân dịp Tết
BHG - Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, những ngày cuối năm 2023, Công ty Cổ phần cấp thoát nước Hà Giang đã xây dựng kế hoạch cấp nước liên tục, ổn định, bảo đảm chất lượng và dự phòng giải pháp ứng phó với các sự cố bất thường có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, cung cấp nước.
09/02/2024
Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Đồng Văn Hoàn thiện những công trình, mang mùa Xuân về bản
BHG - Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong đơn vị, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Đồng Văn (QLDA ĐTXD) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều công trình hoàn thành được đánh giá cao về tiến độ và chất lượng, cơ bản phát huy tốt hiệu quả đầu tư, góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH, thu hút đầu tư trên địa bàn huyện. Xuân mới về cũng là lúc những công trình, dự án gấp rút được hoàn thiện để người dân được thụ hưởng, đón năm mới an vui, phấn khởi.
08/02/2024