Nông nghiệp Quản Bạ từng bước đổi thay
BHG - Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế hàng hóa là định hướng phát triển kinh tế - xã hội được huyện Quản Bạ triển khai trong những năm gần đây.
Với lợi thế diện tích tự nhiên lớn, huyện có nhiều tiềm năng để phát triển nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, năm 2023, tỷ trọng giá trị chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp của huyện đạt khoảng 36,2%, đây là động lực để huyện đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch – thông minh – hàng hóa. Các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của huyện đang dần có chỗ đứng trên thị trường.
Người dân xã Tả Ván thu hái chè Shan tuyết. |
Đến nay, huyện đã có 28 sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh, tiêu biểu nhất là các sản phẩm nông sản an toàn như: Sản phẩm lanh, dược liệu, Hồng không hạt, rau các loại, gạo nếp… cùng đó huyện đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi cho thu nhập cao và ổn định. Cây chè Shan tuyết cũng được huyện chú trọng định hướng phát triển và được trồng mới với diện tích tăng đều qua các năm, đã hình thành các vùng chè chuyên canh và đặc trưng tại các xã Tả Ván, Tùng Vài, Thái An, Quyết Tiến. Đặc biệt người dân đã chuyển đổi phần lớn diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả ôn đới. Hiện toàn huyện đã trồng được 104,3 ha. Từ việc trồng cây ăn quả ôn đới đem lại giá trị kinh tế cao hơn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với phát triển du lịch, đóng góp tích cực vào Chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Năm 2023, ngành Nông nghiệp huyện phát triển với diện tích gieo trồng là 16.205 ha, trong đó: Nhóm cây lương thực có hạt đạt trên 7.100 ha, nhóm cây hạt có chứa dầu trên 2.100 ha, nhóm rau, đậu các loại gần 2.400 ha, nhóm cây dược liệu 2.970 ha… tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện tương đối ổn định. Tổng số đàn trâu, bò là 28.413 con, lợn 47.000 con, gia cầm 296.500 con, dê 4.530 con, ong 6.240 tổ, diện tích thủy sản 57,62 ha.
Đồng chí Hạng Dương Thành, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: “Quản Bạ có đa dạng về sản phẩm nông nghiệp như rau, củ, hoa, quả, dược liệu và các sản phẩm đặc sản khác, đặc biệt là rau trái vụ, cây ăn quả ôn đới, mật ong, dược liệu, chè Shan tuyết. Điều này tạo ra cơ hội để ngành Nông nghiệp huyện xây dựng nhiều chuỗi giá trị khác nhau và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, huyện có vị trí địa lý đẹp, là điểm đến du lịch hấp dẫn, điều này có thể tạo ra cơ hội tiếp cận thị trường du lịch để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Huyện đã đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho nông dân để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, điều này cũng giúp nâng cao hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể hợp tác, tổ chức thành các nhóm, hội sản xuất theo quy mô lớn hơn và có thể tiếp cận với các đơn vị liên kết. Huyện cũng tập trung hỗ trợ các hoạt động quảng bá thương hiệu để tiếp cận thị trường một cách hiệu quả, giúp nông sản huyện Quản Bạ được biết đến và ưa chuộng hơn”.
Bài, ảnh: Nguyễn Dịu
Ý kiến bạn đọc