Hướng tới mục tiêu nông dân giàu có, nông thôn văn minh

13:24, 09/01/2024

BHG - Việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về: Xây dựng Nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện môi trường nông thôn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Nỗ lực thực hiện

Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025: Có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM chiếm 46,9% (tương đương 82 xã đạt chuẩn NTM); tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 8,5% (7 xã); tỷ lệ xã đạt NTM kiểu mẫu là 2,4% (2 xã). 2 chương trình MTQG còn lại đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm; đến năm 2025, toàn tỉnh có 63 xã và 41 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Tỉnh ta đã huy động gần 6.300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư và địa phương để thực hiện mục tiêu chiến lược trên. Ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của 3 chương trình MTQG đạt gần 4.500 tỷ đồng trên tổng số gần 4.800 tỷ đồng. Trong đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư đạt 96%, vốn sự nghiệp đạt 90,4% so với kế hoạch. Năm 2023, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện 2 đợt kiểm tra, giám sát toàn diện tại 11 huyện, thành phố và 58 xã, thị trấn. Định kỳ hàng tháng tổ chức hội nghị giao ban với các sở, ban, ngành, UBND 11 huyện, thành phố về tình hình thực hiện các chương trình MTQG, đánh giá chi tiết kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc và ban hành thông báo kết luận giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị nhằm đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hiệu quả 3 chương trình MTQG. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hà Thị Minh Hạnh cho biết: Năm 2023 là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch vốn, nhiều nội dung mới triển khai, chưa phát huy hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, qua nắm bắt thực tế của các cấp, ngành cho thấy người dân cơ bản hài lòng với nội dung đang triển khai thực hiện của các dự án/tiểu dự án thành phần thuộc 3 chương trình MTQG.

Đường liên thôn của xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) được đầu tư nâng cấp.
Đường liên thôn của xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) được đầu tư nâng cấp.

Địa bàn đầu tư của 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh thực hiện ở 193 xã, phường, thị trấn, 2.071 thôn, tổ dân phố. Nội dung hỗ trợ, đầu tư của dự án/tiểu dự án thành phần trải rộng nhiều lĩnh vực, sát thực với đời sống của nhân dân (chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe…). Việc thực hiện các chương trình MTQG đã kế thừa, phát huy giá trị, thành tựu xây dựng NTM, giảm nghèo và các chính sách đối với đồng bào DTTS của giai đoạn trước. Năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh giảm 7,21%, tương đương với giảm 13.024 hộ nghèo, cận nghèo. Đối với chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh có 1/11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 48/175 xã đạt chuẩn NTM; trong đó, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tại 127 xã chưa đạt chuẩn NTM, có 3 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí, 77 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí, 47 xã đạt dưới 10 tiêu chí/19 tiêu chí NTM. Ngoài ra, toàn tỉnh có 88 thôn đạt chuẩn NTM.

Nhiều “rào cản” cần tháo gỡ

Việc triển khai 3 chương trình MTQG đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, giúp người dân nâng cao mức thụ hưởng, giải quyết được khó khăn thiết yếu nhất trong đời sống. Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình MTQG còn nhiều “rào cản” cần tháo gỡ.

Thực tế cho thấy, cấp trực tiếp thực hiện 3 chương trình MTQG là cấp xã, thôn phải nghiên cứu và triển khai lượng lớn các quy định, văn bản hướng dẫn của T.Ư về tổ chức thực hiện các chương trình MTQG. Trong khi đó, lực lượng cán bộ chuyên môn ít, năng lực còn hạn chế nên quá trình triển khai còn lúng túng, chậm tiến độ. Hàng năm, khi giao kế hoạch vốn sự nghiệp các chương trình MTQG, T.Ư đều giao chi tiết đến từng dự án của mỗi chương trình, đồng thời giao chi tiết về nguồn vốn theo các sự nghiệp thực hiện từng dự án. Thế nhưng, thực tế nhu cầu triển khai các dự án trong mỗi năm của từng địa phương khác nhau. Có nhiều dự án địa phương cần nguồn vốn lớn để triển khai nhưng dự toán thuộc lĩnh vực, dự án được giao thấp. Trong khi đó, nhiều dự án như: Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; khoán bảo vệ rừng theo số tháng thực tế bảo vệ theo hợp đồng... dự toán T.Ư giao lớn nhưng đối tượng thụ hưởng không nhiều, thời gian thực tế chi trả ít. Theo quy định, địa phương không được phép điều chỉnh dự toán từ dự án này sang dự án khác, dẫn đến khó khăn trong thực hiện và không giải ngân hết kế hoạch vốn T.Ư giao...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh chia sẻ: Để phát huy hiệu quả các chương trình MTQG, hướng tới mục tiêu nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, tỉnh Hà Giang kiến nghị Quốc hội cho phép HĐND tỉnh quyết định việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, 2025 giữa các chương trình MTQG từ các nội dung, dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ hoặc chưa giải ngân được vốn để bổ sung vốn thực hiện các nội dung, dự án thành phần khác đảm bảo hoàn thành mục tiêu của từng chương trình đã được cấp có thẩm quyền giao. Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG, giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung nguồn lực cho tỉnh để hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM được giao.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phòng giao dịch Vĩnh Tuy đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

BHG - Không nằm ngoài “dòng chảy” chuyển đổi số của thế giới cũng như chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp trên, thời gian qua, Phòng giao dịch (PGD) Vĩnh Tuy đã tích cực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại địa phương.

30/12/2023
Tiềm năng từ mô hình nuôi giun quế ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 313

BHG - Giun quế (hay trùn quế) là loại giun đã được thuần hóa, nhập nội và đưa vào nuôi công nghiệp ở nước ta với quy mô vừa và nhỏ. Đây là loại giun mắn đẻ, dễ nuôi, dễ nhân rộng và có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, mô hình phát huy hiệu quả khi áp dụng vào các quy trình chăn nuôi khép kín. Nắm bắt được ưu điểm đó, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT - QP) 313, Quân khu 2 đã khảo sát một số mô hình nuôi giun quế hiệu quả trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, sau đó áp dụng nuôi thử nghiệm, bước đầu đã thu được kết quả tích cực.

09/01/2024
Sảng Tủng vươn lên từ sức mạnh nội lực

  ↵

BHG - Sảng Tủng là xã nội địa, cách thị trấn Đồng Văn khoảng 25 km. Những năm qua, với sự định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của nhân dân, Sảng Tủng đã nỗ lực vươn lên bằng sức mạnh nội lực, từng bước đổi thay tích cực bộ mặt nông thôn vùng cao, mang ấm no về với xã nghèo của huyện Đồng Văn.

08/01/2024
Đồng Văn xây dựng những khu dân cư kiểu mẫu

BHG - Nhằm tạo bước phát triển mới trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt tạo diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp, an toàn, góp phần hiện thực hóa các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới, huyện Đồng Văn đã triển khai thí điểm xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu tại 6 thôn của 6 xã trên địa bàn huyện. Sau 1 năm triển khai thực hiện đã tạo sự lan tỏa lớn, đặc biệt nhận được sự tham gia tích cực của chính người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

08/01/2024