Hồ treo – nguồn sống của đồng bào trên miền đá Mèo Vạc

13:25, 09/01/2024

BHG - Đến huyện vùng cao Mèo Vạc, không khó để bắt gặp những hồ chứa nước, hay còn gọi là hồ treo được đầu tư xây dựng ở các thung lũng. Những hồ treo này có chức năng tích nước, dự trữ và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, trở thành nguồn sống đối với đồng bào nơi đây. Để được sử dụng hiệu quả, công tác quản lý, khai thác, sử dụng các công trình này luôn được huyện đặc biệt quan tâm.

Hồ treo thôn Cán Chu Phìn, xã Cán Chu Phìn được hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2011. Hồ có dung tích hơn 5.800 m3, tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng. Anh Thò Mí Xá, Trưởng thôn cho biết: Hiện nay, nguồn nước ở hồ phục vụ nhu cầu cho hơn 160 hộ trong thôn. Để công trình sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, thôn thành lập Tổ quản lý thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành hệ thống cấp nước của hồ treo và thu tiền sử dụng nước của các hộ. Cùng đó, hàng năm vào dịp sau Tết Nguyên đán, thôn tổ chức cho các hộ ra quân tổng vệ sinh, phát dọn khu vực hồ treo kết hợp với tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các hộ trong việc sử dụng nguồn nước. Nhờ thực hiện tốt công tác này, nguồn nước ở hồ treo cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Hồ treo thôn Cán Chu Phìn, xã Cán Chu Phìn phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho hơn 160 hộ dân.
Hồ treo thôn Cán Chu Phìn, xã Cán Chu Phìn phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho hơn 160 hộ dân.

Tương tự, hồ treo thôn Pải Lủng, xã Pải Lủng được đưa vào sử dụng hơn 12 năm nay. Hồ có quy mô 7.000 m3, tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng. Công trình cung cấp nước cho UBND xã, 2 trường học và 3 thôn ở gần trung tâm xã với tổng số gần 2.000 người sử dụng. Qua quan sát thực tế cho thấy, màu nước trong hồ trong xanh, mực nước tương đối đầy, xung quanh hồ được phát quang sạch sẽ, hồ có hệ thống tường rào được xây dựng kiên cố. Ông Mua Mí Giàng, người dân xã Pải Lủng chia sẻ: Pải Lủng là vùng quê thừa đá, thiếu đất và thiếu cả nước. Hồ treo thôn Pải Lủng được nhà nước đầu tư là món quà vô cùng ý nghĩa, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng của một bộ phận người dân chúng tôi. Do vậy, trên cơ sở được tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền, người dân chúng tôi luôn nhắc nhau phải có ý thức trong việc bảo vệ, sử dụng nguồn nước hiệu quả, tiết kiệm, không để nguồn nước bị ô nhiễm, lãng phí.

Đồng chí Tề Văn Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mèo Vạc cho biết: Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá, địa hình triền núi dốc, đá khối tai mèo xen kẽ những thung lũng sâu, đáy thường là hố sụt có dạng hình phễu; mạng lưới sông, suối, nước ngầm nghèo nàn; lượng mưa hàng năm không lớn, dẫn đến tình trạng thiếu nước cho các hoạt động sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân, nhất là vào các tháng mùa khô từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Thực hiện chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, từ năm 2005 đến nay, huyện Mèo Vạc được đầu tư xây dựng 29 hồ treo. Bình quân mỗi hồ có thể tích 5.000 m3, cấp nước cho từ 500 – 1.000 hộ/hồ treo. Để các công trình hồ treo hoạt động hiệu quả, sau khi được nghiệm thu đưa vào sử dụng, huyện bàn giao cho các xã, thị trấn quản lý, vận hành, khai thác sử dụng; đồng thời chỉ đạo ngành chuyên môn và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho người dân, nhất là các hộ trực tiếp hưởng lợi nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ, vận hành, khai thác, sử dụng các công trình.

Nhìn chung, nhờ thực hiện tốt công tác quản lý, các hồ treo sau khi đưa vào sử dụng cơ bản hoạt động tốt, bước đầu giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn; tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh ngày càng tăng; nhận thức của người dân có sự chuyển biến tích cực trong việc sử dụng nước sạch cũng như trong giữ gìn, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước; qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân.

Mặc dù đã nhận được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên các công trình cấp nước hiện có mới đáp ứng được nhu cầu của 85% dân số trong huyện. Đặc biệt, vào mùa khô, do lượng mưa ít, nguồn nước mạch khan hiếm dẫn đến các hồ treo cạn kiệt nước, điều này gây khó khăn cho đời sống và hoạt động sản xuất của người dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Để khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm, bố trí kinh phí để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình hồ treo đã xuống cấp, hư hỏng, đồng thời có kế hoạch xây mới các công trình hồ treo tại các xã, thị trấn có nhu cầu. Việc sớm bố trí nguồn lực đầu tư các công trình hồ treo sẽ giảm bớt khó khăn và đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, đồng thời tiếp tục góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tiềm năng từ mô hình nuôi giun quế ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 313

BHG - Giun quế (hay trùn quế) là loại giun đã được thuần hóa, nhập nội và đưa vào nuôi công nghiệp ở nước ta với quy mô vừa và nhỏ. Đây là loại giun mắn đẻ, dễ nuôi, dễ nhân rộng và có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, mô hình phát huy hiệu quả khi áp dụng vào các quy trình chăn nuôi khép kín. Nắm bắt được ưu điểm đó, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT - QP) 313, Quân khu 2 đã khảo sát một số mô hình nuôi giun quế hiệu quả trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, sau đó áp dụng nuôi thử nghiệm, bước đầu đã thu được kết quả tích cực.

09/01/2024
Hướng tới mục tiêu nông dân giàu có, nông thôn văn minh

BHG - Việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về: Xây dựng Nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện môi trường nông thôn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

09/01/2024
Đồng Văn xây dựng những khu dân cư kiểu mẫu

BHG - Nhằm tạo bước phát triển mới trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt tạo diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp, an toàn, góp phần hiện thực hóa các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới, huyện Đồng Văn đã triển khai thí điểm xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu tại 6 thôn của 6 xã trên địa bàn huyện. Sau 1 năm triển khai thực hiện đã tạo sự lan tỏa lớn, đặc biệt nhận được sự tham gia tích cực của chính người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

08/01/2024
Sảng Tủng vươn lên từ sức mạnh nội lực

  ↵

BHG - Sảng Tủng là xã nội địa, cách thị trấn Đồng Văn khoảng 25 km. Những năm qua, với sự định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của nhân dân, Sảng Tủng đã nỗ lực vươn lên bằng sức mạnh nội lực, từng bước đổi thay tích cực bộ mặt nông thôn vùng cao, mang ấm no về với xã nghèo của huyện Đồng Văn.

08/01/2024