Nghị quyết 43 thúc đẩy phát triển KT - XH Hà Giang

15:01, 29/12/2023

BHG - Nghị quyết số 43 (Nghị quyết) của Quốc hội khóa XV về “Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT – XH” sau đại dịch Covid – 19 được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội ngày 11.1.2022 được xem là chính sách chưa từng có tiền lệ, tác động lớn giúp phục hồi nền kinh tế của đất nước. Tại tỉnh ta, Nghị quyết đã thúc đẩy tăng trưởng KT – XH của tỉnh với tổng giá trị sản phẩm năm 2022 (GRDP) tăng 7,8% so với năm 2021, năm 2023 ước tăng 5,5% so với năm 2022.

Nghị quyết gồm 3 chính sách lớn là: Chính sách tài khóa (miễn, giảm thuế; đầu tư phát triển; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; cho vay ưu đãi qua Ngân hàng CSXH); chính sách tiền tệ và chính sách khác (phát triển hạ tầng viễn thông, internet; phát triển khoa học và công nghệ). Hỗ trợ thực hiện Nghị quyết, tỉnh ta được T.Ư cấp trên 566 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi thực hiện an sinh xã hội, lao động, việc làm trong năm 2022 và 2023; cấp 1.154 tỷ đồng từ chương trình phục hồi kinh tế cho thực hiện Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang; cấp 187 tỷ đồng thực hiện 3 dự án nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở gồm: Dự án đầu tư xây dựng mới Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh; xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 8 bệnh viện đa khoa huyện, đa khoa khu vực); xây dựng mới 10 trạm y tế xã. Ngoài ra, cân đối, lồng ghép hàng trăm tỷ đồng ngân sách triển khai Nghị quyết đối với các chính sách tài khóa, tiền tệ, chương trình “Sóng và máy tính cho em”…

Trạm Y tế xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì) được xây mới từ chính sách đầu tư theo Nghị quyết số 43.
Trạm Y tế xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì) được xây mới từ chính sách đầu tư theo Nghị quyết số 43.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết: Thực hiện Nghị quyết , UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 75, ngày 14.3.2022 cụ thể hóa các nhiệm vụ và giao trách nhiệm triển khai thực hiện cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Xây dựng và ban hành phương án điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với diễn biến dịch Covid-19 trong năm 2021, 2022. Riêng Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban, trực tiếp lãnh, chỉ đạo thực hiện dự án. Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh tích cực, sâu sát trong quá trình triển khai.

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết, việc thực hiện các chính sách tài khóa đạt nhiều kết quả tích cực. Với trên 455 tỷ đồng tiền thuế, phí và lệ phí được miễn, giảm (năm 2022 trên 285 tỷ đồng, năm 2023 ước trên 170 tỷ đồng) đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tạo việc làm cho 4.840 lượt lao động. Gần 240 hộ có thu nhập thấp được vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở, giúp “an cư, lạc nghiệp”. Trên 200 em học sinh, sinh viên được vay vốn ưu đãi trang trải chi phí học tập.

Đối với chính sách đầu tư phát triển, Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang được khởi công xây dựng từ tháng 5.2023, đến nay đã bàn giao mặt bằng trên 24 km, đạt 87,5% chiều dài tuyến. Nhà thầu thi công đang tập trung nhân lực, máy móc thiết bị thi công, phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ thi công đào, đắp nền đường thông toàn tuyến. Tổng nguồn vốn T.Ư đã giao cho dự án trên 1.154 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 94,54% kế hoạch vốn giao. Các công trình trong 3 Dự án nâng cao năng lực y tế dự phòng và cơ sở đều đã được triển khai thi công, tổng nguồn vốn đã giải ngân trên 113 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 60,4% vốn cấp.

Trong thực hiện các chính sách tiền tệ, tỉnh đã chỉ đạo triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm tăng trưởng vốn tín dụng, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tổng đầu tư tín dụng cho nền kinh tế ước đạt trên 30.000 tỷ đồng, tăng 2.227 tỷ đồng so với 31.12.2022, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2023. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay để hỗ trợ cho khách hàng; đã cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ lũy kế trên 770 tỷ đồng cho 1.379 khách hàng. Nhằm hỗ trợ dòng tiền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân, có gần 58 nghìn khách hàng được vay vốn mới ưu đãi lãi suất để sản xuất, kinh doanh; trên 19.700 khách hàng được hạ lãi suất cho vay.

Ngoài ra, tỉnh đã quan tâm phát triển hạ tầng viễn thông, internet. Giai đoạn 2021 - 2023, phủ được 118/154 thôn trắng sóng thông qua chương trình viễn thông công ích; hỗ trợ 421 cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trạm y tế xã, điểm cung cấp dịch vụ internet băng rộng cho cộng đồng dân cư đủ điều kiện nhận hỗ trợ sử dụng dịch vụ internet băng rộng cố định mặt đất; hỗ trợ 27.271/94.724 hộ gia đình được sử dụng thuê bao internet; trao tặng 500 máy tính bảng cho các trường học theo chương trình “Sóng và máy tính cho em” do UNICEF Việt Nam tài trợ.

Dù đối mặt với nhiều biến động, khó khăn, thách thức sau đại dịch Covid-19 nhưng việc tập trung triển khai và những kết quả thực hiện Nghị quyết đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu KT - XH của tỉnh trong 2 năm qua. Minh chứng là, năm 2022, tổng giá trị sản phẩm (GRDP) đạt 16.286 tỷ đồng, tăng 7,8% và tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.790 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2021; số hộ nghèo giảm 8.784 hộ. Năm 2023, GRDP ước đạt trên 16.984 tỷ đồng, ước tăng 5 đến 5,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 15.077 tỷ đồng, tăng 10,85%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2023 đạt trên 16.874 tỷ đồng, tăng 17,55%; lượng khách du lịch đạt 3 triệu lượt người, tăng 32% so với năm 2022. Số hộ nghèo đa chiều giảm 13.0245 hộ. An sinh xã hội được đảm bảo…

Qua giám sát tại tỉnh ta, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Phạm Thúy Chinh đánh giá dù là tỉnh miền núi, biên giới, đặc biệt khó khăn, quá trình triển khai Nghị quyết gặp một số vướng mắc nhưng Hà Giang đã thực hiện tốt các chính sách tài khóa, tiền tệ của Nghị quyết và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phục hồi kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH của tỉnh. Đây là cơ sở để kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cho chủ trương tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ Hà Giang nói riêng và các địa phương khác trong cả nước nói chung thúc đẩy phát triển KT – XH trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chợ truyền thống khó khăn trong “bão” chuyển đổi số

BHG - Chợ truyền thống từ xưa đến nay luôn được coi là nơi mua bán ưa thích của người dân, gắn liền với những nét văn hoá đặc sắc tại mỗi vùng miền, địa phương. Tuy nhiên, với nhịp sống ngày một phát triển, ngày càng có nhiều hình thức mua bán, trao đổi tiện lợi hơn. Đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số, chợ trực tuyến trở thành sự lựa chọn của nhiều người mua hàng, thì chợ truyền thống đang đứng trước thách thức rất lớn về thị phần.

29/12/2023
Phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo

BHG - Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, diện mạo KT-XH của huyện Bắc Mê có những chuyển biến căn bản. Từ một huyện nghèo, lạc hậu, nông nghiệp là chính; đến nay, kinh tế của huyện tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng về công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ ngày càng tăng cao. Đời sống nhân dân ngày càng ấm no hơn, được tiếp cận với các dịch vụ hiện đại, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 25,2 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, năm 2021 thu ngân sách đạt trên 218 tỷ đồng đạt 102% KH; năm 2022 đạt trên 171 tỷ đồng, tăng gần 20 tỷ đồng so với năm 2020.

27/12/2023
Sức bật từ những quyết sách đúng

BHG - “Mặc dù địa bàn rộng, dân cư không tập trung; sản xuất hàng hóa chưa phát triển; tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; kết cấu hạ tầng thiếu, chưa đồng bộ… nhưng với việc xác định khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm sát thực tiễn, thống nhất ý chí và hành động trong quá trình triển khai đã giúp huyện Quang Bình có sức bật mạnh mẽ, mang lại ấm no cho đồng bào các dân tộc”. Đồng chí Nguyễn Trung Ngọc, Bí thư Huyện ủy Quang Bình cho biết.

27/12/2023
Kết nối “mắt xích” chuỗi giá trị: Kỳ cuối: Gỡ rào cản phát triển

BHG - Trước xu thế phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đòi hỏi phải đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất và các doanh nghiệp, tỉnh ta triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ rào cản nhằm khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”. Đồng thời, việc xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, nhất là các HTX nông nghiệp để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được tỉnh ta xác định là lựa chọn hàng đầu, nhằm tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị.

27/12/2023