Chợ truyền thống khó khăn trong “bão” chuyển đổi số

14:57, 29/12/2023

BHG - Chợ truyền thống từ xưa đến nay luôn được coi là nơi mua bán ưa thích của người dân, gắn liền với những nét văn hoá đặc sắc tại mỗi vùng miền, địa phương. Tuy nhiên, với nhịp sống ngày một phát triển, ngày càng có nhiều hình thức mua bán, trao đổi tiện lợi hơn. Đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số, chợ trực tuyến trở thành sự lựa chọn của nhiều người mua hàng, thì chợ truyền thống đang đứng trước thách thức rất lớn về thị phần.

Khung cảnh đìu hiu tại chợ trung tâm thành phố Hà Giang
Khung cảnh đìu hiu tại chợ trung tâm thành phố Hà Giang

Nhiều người cho rằng, muốn tìm hiểu về đời sống, văn hóa và tập tục của một vùng đất, một làng quê nào đó thì cứ đến chợ. Bởi chợ chính là biểu hiện đầy đủ nhất bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa của một vùng. Tuy vậy, đến chợ trung tâm thành phố Hà Giang vào thời gian này, sẽ thấy không khí ảm đạm bao quanh các gian hàng bởi lượng khách tới rất ít. Tầng 3 của khu chợ thậm chí còn không có một gian hàng nào mở cửa. Cả khu chợ yên tĩnh, không hề có sự náo nhiệt, ồn ã lẽ ra phải có ở một khu chợ nằm giữa thành phố.

Chị Nguyễn Thị Thương (tổ 2, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang) cho biết: “Do công việc bận rộn, tôi không còn thói quen trực tiếp đến chợ chọn mua đồ như trước. Thay vào đó, tôi thường tranh thủ khoảng thời gian rảnh vào buổi tối để mua hàng trên các trang chợ trực tuyến trên mạng. Ở đó có đầy đủ hình ảnh, chú thích về sản phẩm, đồng thời giá cả được niêm yết rõ ràng. Người bán hàng cũng có thể tư vấn thông qua tin nhắn và có dịch vụ giao hàng tận nhà. Tôi chỉ cần ngồi ở nhà với chiếc điện thoại hay máy tính là có thể mua được đồ dùng cần thiết. Do đó, tôi lựa chọn mua hàng trên chợ trực tuyến thay vì chợ truyền thống”.

Tiểu thương buồn bã chờ khách ghé thăm
Tiểu thương buồn bã chờ khách ghé thăm

Bà Phạm Thị Bạch Tuyết, 51 tuổi, tiểu thương buôn bán quần áo tại chợ trung tâm thành phố Hà Giang, chia sẻ: “Tôi đã buôn bán ở đây 25 năm rồi, cả cuộc đời tôi gắn với khu chợ này. Vài năm trở lại đây là thời kỳ khó khăn đối với những tiểu thương chúng tôi. Chợ truyền thống ngày càng ít khách lui tới, thậm chí có ngày tôi chỉ có 1-2 lượt khách. Một số tiểu thương đã phải lựa chọn thay đổi địa điểm buôn bán. Những tiểu thương trẻ tuổi thì kết hợp bán hàng trực tuyến trên mạng để tăng doanh số. Chỉ còn những người lớn tuổi như tôi, không thể bắt kịp xu thế, chỉ đành chấp nhận hoàn cảnh này”.

Đông đúc hơn những gian hàng thời trang, khu vực bán thực phẩm phần nào vẫn giữ được sự náo nhiệt của nó, bởi ưu thế hàng tươi, ngon, chất lượng mà các trang chợ trực tuyến không thể thay thế được. Người mua vẫn cần đến trực tiếp để lựa chọn những thực phẩm tươi, sống cho nhu cầu của mình.

Song song với đó, các tiểu thương cũng phải tận dụng nguồn khách quen, mở rộng dịch vụ giao hàng tận nhà nhằm giữ khách, đảm bảo doanh số. Từ đó mở ra cơ hội việc làm cho những đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ giao hàng, mua hàng hộ.

Cuộc sống càng phát triển, cách mạng công nghiệp, chuyển đổi số càng phát triển, bên cạnh những tiện ích thì chợ truyền thống cũng phải dần thay đổi cho phù hợp. Không còn cảnh trẻ em háo hức, sung sướng khi được mẹ đưa đi chơi chợ, hay cảnh náo nhiệt, rộn ràng kẻ mua, người bán. Đi chợ không chỉ đơn thuần là để mua sắm, đây còn là nơi gặp gỡ, giao lưu tình cảm, văn hoá. Để giữ vững vị thế của chợ truyền thống, cần có những biện pháp, thay đổi nhằm giúp chợ phát triển, song hành cùng những bước tiến của xã hội.

Bài, ảnh: Như Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kết nối “mắt xích” chuỗi giá trị: Kỳ cuối: Gỡ rào cản phát triển

BHG - Trước xu thế phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đòi hỏi phải đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất và các doanh nghiệp, tỉnh ta triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ rào cản nhằm khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”. Đồng thời, việc xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, nhất là các HTX nông nghiệp để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được tỉnh ta xác định là lựa chọn hàng đầu, nhằm tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị.

27/12/2023
Phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo

BHG - Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, diện mạo KT-XH của huyện Bắc Mê có những chuyển biến căn bản. Từ một huyện nghèo, lạc hậu, nông nghiệp là chính; đến nay, kinh tế của huyện tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng về công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ ngày càng tăng cao. Đời sống nhân dân ngày càng ấm no hơn, được tiếp cận với các dịch vụ hiện đại, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 25,2 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, năm 2021 thu ngân sách đạt trên 218 tỷ đồng đạt 102% KH; năm 2022 đạt trên 171 tỷ đồng, tăng gần 20 tỷ đồng so với năm 2020.

27/12/2023
Sức bật từ những quyết sách đúng

BHG - “Mặc dù địa bàn rộng, dân cư không tập trung; sản xuất hàng hóa chưa phát triển; tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; kết cấu hạ tầng thiếu, chưa đồng bộ… nhưng với việc xác định khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm sát thực tiễn, thống nhất ý chí và hành động trong quá trình triển khai đã giúp huyện Quang Bình có sức bật mạnh mẽ, mang lại ấm no cho đồng bào các dân tộc”. Đồng chí Nguyễn Trung Ngọc, Bí thư Huyện ủy Quang Bình cho biết.

27/12/2023
Agribank Tân Quang hướng đến khách hàng là trung tâm

BHG - Cùng với các hoạt động vay vốn tín dụng, Phòng giao dịch (PGD) Agribank Tân Quang (Bắc Quang) luôn định hướng đến các giải pháp để cải thiện, nâng cao dịch vụ theo hướng khách hàng là trung tâm.

27/12/2023