Hợp tác xã cộng đồng Nặm Đăm phát huy tốt giá trị cây dược liệu

15:30, 29/12/2023

BHG - Quản Bạ được biết đến là miền đất của nhiều loại dược liệu, cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, những năm qua các sản phẩm dược liệu của huyện cửa ngõ Cao nguyên đá có cơ hội phát triển và vươn xa. Giờ đây, cây dược liệu giúp cho đồng bào dân tộc Dao ở Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) có thêm thu nhập, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Đến thăm HTX cộng đồng Nặm Đăm là nơi đang phát triển các sản phẩm từ dược liệu địa phương. Tại đây, các công đoạn chế biến dược liệu từ thu hái, phân loại, phơi, sấy khô, nấu cao, đóng chai… được thực hiện theo một quy trình khoa học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Được biết, HTX thành lập từ năm 2014 theo quyết định của UBND huyện Quản Bạ, HTX gồm 29 thành viên, với số vốn điều lệ là 2 tỷ đồng. Nhờ sự giúp sức của các nguồn vốn hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, dự án phi chính phủ nước ngoài…; cùng sự đồng hành của các chuyên gia hàng đầu trong nước, từ những ngày đầu thành lập, trong quá trình xây dựng nhà xưởng, trồng cây dược liệu, chế biến sản phẩm, gây dựng vườn ươm giống, vườn bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý, hỗ trợ hoàn thành các thủ tục để các sản phẩm dược liệu của HTX đạt được chứng nhận của Bộ Y tế, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm…

Nhà phơi, sấy dược liệu của HTX cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ).

Chị Lý Tà Liềm, một thành viên của HTX phấn khởi chia sẻ: “Từ khi HTX được thành lập đến nay đã giúp cho thanh niên trong thôn như em có được việc làm tại địa phương. Nếu trước kia ở nhà chỉ biết làm nương rẫy, không có thêm công việc gì khác khiến thanh niên phải đi xa quê hương để tìm kiếm công việc thì bây giờ chúng em đã có việc làm ổn định ở ngay tại thôn mình. Từ khi tham gia làm việc tại HTX đã giúp em có thu nhập ổn định, được giao lưu học hỏi mở rộng kiến thức và gia đình em cũng tham gia trồng cây dược liệu để bán cho HTX”.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, mỗi năm HTX triển khai trồng từ 5 – 10 ha cây dược liệu, như: Đương quy, Huyền sâm, Kim ngân hoa, Hoành tinh; củ Dòm… Nhằm nâng cao giá trị sản xuất, HTX đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, như: Nhà tắm lá thuốc; hệ thống nhà xưởng sơ chế, chế biến dược liệu với diện tích trên 4.000 m2; nồi chiết suất bằng hơi có công suất 1,5 tấn nguyên liệu/ngày; vườn bảo tồn cây thuốc người Dao với tổng diện tích hơn 0,3 ha… HTX sản xuất được một số sản phẩm, như: Cao Atiso; cao củ Dòm; cao mạnh gân hoạt cốt; cao ích não; trà gừng, dầu xoa bóp Nặm Đăm; cao Hà thủ ô; nước tắm thảo dược… trong đó, có hai sản phẩm đạt 3 sao OCOP là cao Atiso và trà gừng Cao nguyên đá, đây cũng là những sản phẩm đắt hàng nhất của HTX.

Anh Lý Tà Dèn, Giám đốc HTX cộng đồng Nặm Đăm, chia sẻ: “HTX là nơi thu mua và chế biến dược liệu của bà con trong vùng. Những năm qua, nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước đã giúp HTX đã đi vào hoạt động ổn định, cho thu nhập khá, giúp cho nhiều thanh niên trong thôn có việc làm. Bên cạnh đó, có sự đồng hành của tổ chức Đoàn thanh niên đã hỗ trợ HTX về khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tập huấn bán hàng online, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Từ đó, HTX triển khai bán hàng tại Shopee, Lazada, Tiki và fanpage của HTX, trung bình mỗi tháng bán được khoảng 200 đơn hàng, doanh thu từ bán hàng online đạt khoảng 500 triệu đồng/năm. Theo đó, HTX quảng bá được hơn 20 sản phẩm từ dược liệu địa phương đến người tiêu dùng trên khắp cả nước”.

Nhờ sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của chính quyền và nhân dân địa phương, đã giúp HTX ngày càng phát triển, trở thành nơi kết nối và phát huy những tinh hoa của cây dược liệu Quản Bạ đến thị trường trong nước.

Bài, ảnh: LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chợ truyền thống khó khăn trong “bão” chuyển đổi số

BHG - Chợ truyền thống từ xưa đến nay luôn được coi là nơi mua bán ưa thích của người dân, gắn liền với những nét văn hoá đặc sắc tại mỗi vùng miền, địa phương. Tuy nhiên, với nhịp sống ngày một phát triển, ngày càng có nhiều hình thức mua bán, trao đổi tiện lợi hơn. Đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số, chợ trực tuyến trở thành sự lựa chọn của nhiều người mua hàng, thì chợ truyền thống đang đứng trước thách thức rất lớn về thị phần.

29/12/2023
Nghị quyết 43 thúc đẩy phát triển KT - XH Hà Giang

BHG - Nghị quyết số 43 (Nghị quyết) của Quốc hội khóa XV về “Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT – XH” sau đại dịch Covid – 19 được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội ngày 11.1.2022 được xem là chính sách chưa từng có tiền lệ, tác động lớn giúp phục hồi nền kinh tế của đất nước. Tại tỉnh ta, Nghị quyết đã thúc đẩy tăng trưởng KT – XH của tỉnh với tổng giá trị sản phẩm năm 2022 (GRDP) tăng 7,8% so với năm 2021, năm 2023 ước tăng 5,5% so với năm 2022.

29/12/2023
Phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo

BHG - Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, diện mạo KT-XH của huyện Bắc Mê có những chuyển biến căn bản. Từ một huyện nghèo, lạc hậu, nông nghiệp là chính; đến nay, kinh tế của huyện tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng về công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ ngày càng tăng cao. Đời sống nhân dân ngày càng ấm no hơn, được tiếp cận với các dịch vụ hiện đại, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 25,2 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, năm 2021 thu ngân sách đạt trên 218 tỷ đồng đạt 102% KH; năm 2022 đạt trên 171 tỷ đồng, tăng gần 20 tỷ đồng so với năm 2020.

27/12/2023
Kết nối “mắt xích” chuỗi giá trị: Kỳ cuối: Gỡ rào cản phát triển

BHG - Trước xu thế phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đòi hỏi phải đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất và các doanh nghiệp, tỉnh ta triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ rào cản nhằm khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”. Đồng thời, việc xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, nhất là các HTX nông nghiệp để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được tỉnh ta xác định là lựa chọn hàng đầu, nhằm tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị.

27/12/2023