Nông dân đoàn kết, giúp nhau làm giàu
BHG - Những năm qua, hội viên nông dân huyện Hoàng Su Phì đã chủ động tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và nắm bắt nhu cầu của thị trường để nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Mô hình trồng nấm rơm đem lại hiệu quả kinh tế cao của người dân thôn Tân Tiến 1, xã Tân Tiến (Hoàng Su Phì). |
Là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển du lịch cộng đồng, cách đây vài năm, anh Vương Quế Phong, thôn Tô Meo, xã Bản Phùng đã đầu tư xây dựng ngôi nhà sàn bê tông để làm dịch vụ homestay. Anh Phong chia sẻ: Bản Phùng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với những thửa ruộng bậc thang đã được xếp hạng danh thắng quốc gia, Bản Phùng còn hấp dẫn du khách bởi nét văn hóa đặc trưng của dân tộc La Chí. Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của địa phương cùng với sự tuyên truyền, khuyến khích của lãnh đạo xã và cán bộ Hội Nông dân các cấp, tôi đã đầu tư dịch vụ homestay để phục vụ nhu cầu của du khách với công suất tối đa khoảng 60 người/đêm. Ngoài ra, gia đình còn phục vụ các món ăn truyền thống của dân tộc La Chí. Vào mùa lúa chín, thời gian cao điểm du lịch, tôi thường thuê 3 - 5 lao động thời vụ, góp phần giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho bà con trong vùng. Bình quân, nguồn thu từ dịch vụ đem lại cho gia đình khoảng 150 - 200 triệu đồng/năm. Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm dịch vụ với các gia đình trong thôn, xã để cùng nhau phát triển du lịch cộng đồng, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, vừa giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình của nông dân được đánh giá hiệu quả và có sức lan tỏa như: Mô hình chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại; mô hình trồng lúa chất lượng cao; mô hình trồng cây ăn quả (mận Máu, Hồng không hạt, Dâu tây); trồng cây dược liệu; vườn rau dinh dưỡng; phát triển du lịch - dịch vụ tại các xã Chiến Phố, Thèn Chu Phìn, Thàng Tín, Pố Lồ, Tụ Nhân, Ngàm Đăng Vài, Thông Nguyên... Đặc biệt, hội viên nông dân đã phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn với nhiều hình thức như: Đóng góp, hỗ trợ tiền, ngày công lao động, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp để các hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế.
Cùng với đó, các cấp Hội tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp nhằm giúp nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang liên doanh, liên kết gắn với sản xuất tập trung hàng hóa. Đến nay, đã có 19/24 Hội Nông dân cấp xã xây dựng, thành lập được HTX, tổ hợp tác, các chi hội, tổ hội nghề nghiệp trên tất cả các lĩnh vực. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã xây dựng được 20 HTX, 32 tổ hợp tác, ra mắt 32 chi hội nghề nghiệp với 343 thành viên hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ - du lịch. Các HTX, chi hội, tổ hội nghề nghiệp hoạt động ổn định, đóng vai trò quan trọng vào việc tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Để phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu, Hội Nông dân huyện luôn quan tâm, tìm giải pháp nhằm hỗ trợ các thành phần kinh tế tập thể như: Hỗ trợ các hộ vay vốn; hỗ trợ kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ giống cây trồng, vật tư nông nghiệp... Trong 5 năm qua, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các ngành mở được 336 lớp với 14.747 lượt hội viên tham gia. Hội trực tiếp mở được 6 lớp tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác và kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho 420 hội viên.
Công tác dạy nghề cho nông dân được các cấp Hội chú trọng thực hiện, với mục tiêu dạy nghề giải quyết việc làm tại chỗ cho nông dân để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Hàng năm, các cấp Hội thường xuyên phối hợp với Trung tâm Giáo dục dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện khảo sát nhu cầu học nghề và tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn để trang bị kiến thức cho hội viên. Nội dung đào tạo nghề ngắn hạn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: Kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi; sửa chữa điện dân dụng, xây dựng dân dụng...
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoàng Su Phì, Triệu Tiến Quang cho biết: Toàn huyện có 24 cơ sở Hội với trên 12.000 hội viên. Thời gian qua, cùng với việc xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, các cấp Hội đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Trong nhiệm kỳ qua, có 6.653 hộ hội viên, nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua đó, thúc đẩy ý thức vươn lên thoát nghèo của hội viên, nông dân, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH của huyện nhà.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc