Hướng tới Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hà Giang khóa X, nhiệm kỳ 2023 - 2028
Người nông dân 10 năm giữ danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi
BHG - Đó là chị Hoàng Thị Cho, người nông dân của đồng bào dân tộc Tày, thôn Quyền, xã Xuân Giang (Quang Bình). Bằng chính đôi bàn tay, khối óc của mình, từ năm 2012 đến nay, gia đình chị liên tục đạt thành tích hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh với mô hình kinh tế tổng hợp vườn, ao, chuồng (VAC), hiện tại cho thu nhập lên đến trên 400 triệu đồng/năm.
Chị Hoàng Thị Cho (bên phải) làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp. |
Khi quyết định lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, chị Cho cũng như bao người dân khác đều chung một nỗi trăn trở do thiếu vốn, thiếu kiến thức và cũng chưa có kinh nghiệm. Đi tìm cách khắc phục khó khăn để giải bài toán thoát nghèo, chị đã bàn với chồng cải tạo mảnh đất vườn đồi làm ao thả cá kết hợp với chăn nuôi lợn, gà, vịt và duy trì nghề nấu rượu ngô men lá lấy bỗng tạo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm. Vươn lên từ những con số nhỏ nhất, đến nay gia đình chị đã xây dựng được mô hình chăn nuôi khá hiệu quả. Trong đó, đàn lợn được xác định là chủ lực kinh tế, mỗi năm chị xuất bán ít nhất 3 - 4 lứa, mỗi lứa trên 1 tấn lợn thịt, mang về nguồn thu trên cả trăm triệu đồng.
Chia sẻ về bí quyết chăn nuôi, chị Cho cho biết: “Nếu so với nuôi gà, vịt, nuôi lợn nhanh lại vốn hơn nhưng giá cả thị trường lúc giảm, lúc tăng. Vì vậy, muốn chăn nuôi quy mô lớn, tầm 40 con lợn trở lên, tôi đặc biệt chú ý đến chất lượng con giống, đầu vào phải khỏe mạnh, tránh rủi ro. Hiện nay, người dân ngày càng quan tâm, chú trọng lựa chọn các thực phẩm sạch nên chủ yếu thức ăn chính dùng cho chăn nuôi là cám, rau, củ tự nhiên. Cùng với việc thiết kế chuồng trại khoa học, thoáng mát, có hệ thống xử lý chất thải, tôi luôn ưu tiên đến công tác phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo tiêu chí sạch, an toàn cho người sử dụng”.
Những năm gần đây, dưới sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào trồng rừng phát triển kinh tế, phủ xanh đất trống đồi trọc, gia đình chị Cho là một trong số những hộ tiên phong trồng rừng gỗ lớn với những loại cây như xoan, quế, Bồ đề. Những diện tích cây năm thứ nhất, thứ hai chưa đến tuổi khép tán chị đã chủ động trồng xen canh một số cây ngắn ngày, góp phần tăng hệ số sử dụng đất. Nhờ làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ, trong tổng số 6 ha rừng trồng, cây xoan và Bồ đề đã cho khai thác. Ngoài việc chăn nuôi và trồng rừng, gia đình chị còn mở dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, chị đã cho 7 hộ nghèo nuôi giẽ lợn nái và hỗ trợ vốn vay cho các hộ để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chị thường xuyên phổ biến kiến thức, khoa học kỹ thuật, bài học kinh nghiệm làm kinh tế giỏi cho các hội viên nông dân trên địa bàn xã. Nhận thấy cách làm bài bản, sáng tạo và hướng đi đúng đắn của chị Cho, nhiều hội viên đã mạnh dạn nghiên cứu trồng cây gì, nuôi con gì để phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó đi lên, 10 năm qua, gia đình chị Cho giữ vững danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và UBND cấp huyện, cấp xã tặng nhiều Giấy khen. Khiêm tốn với những thành tích đáng nể đó, chị bày tỏ: “So với các vùng khác, bà con làm kinh tế tư duy rất nhạy bén, tiếp cận nhanh với chuyển đổi số đưa sản phẩm nông nghiệp đến khắp mọi nơi. Tôi nghĩ mình cần phải thay đổi để hòa nhịp với quá trình này nhằm tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi thông tin, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh, nắm bắt thị trường, phát triển đa dạng các sản phẩm hiện có, cùng nông dân vững vàng bước vào thời kỳ hội nhập”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc