Hướng tới Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hà Giang khóa X, nhiệm kỳ 2023 - 2028

Biến mảnh đất cằn thành khu vườn trù phú

20:16, 08/08/2023

BHG - “Chỉ có người lười chứ đất không lười. Nếu mình chăm chỉ, chịu khó làm ăn, đất sẽ không phụ công mình”, đây là chia sẻ của ông Phan Văn Chím, hội viên nông dân làm kinh tế giỏi thôn Nà Trào, xã Tát Ngà (Mèo Vạc).

Từng là hộ nghèo, đã có lúc ông Phan Văn Chím chấp nhận, cho rằng đây là số phận an bài. Bởi hàng năm, nơi ông sinh sống thường xảy ra nhiều đợt thiên tai, mùa Đông thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, mùa Hè thường xảy ra nắng nóng, khô hạn kéo dài. Gia đình ông có hơn 1 ha canh tác, chủ yếu trồng ngô nhưng cũng có lúc không sử dụng hết, vì còn tâm lý sợ mất mùa, thiên tai.

 Ông Phan Văn Chím (thứ 3 từ phải sang) giới thiệu mô hình trồng rau an toàn với đoàn công tác Ban Dân vận Tỉnh ủy.
Ông Phan Văn Chím (thứ 3 từ phải sang) giới thiệu mô hình trồng rau an toàn với đoàn công tác Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Tình cờ, có lần ông Chím xem được trên báo, đài về gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, có nhu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điểm giống nhau giữa ông Chím và gương nông dân này đều xuất phát điểm là hộ nghèo, có đất canh tác nhưng thu nhập trên đất không cao. Ông Chím như được giác ngộ: “Họ làm được, tại sao mình không làm được”.

Và rồi, từ năm 2018, ông Chím quyết định chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô sang trồng cây ăn quả. Ban đầu ông trồng mấy chục cây hồng, mận, xoài; sau đó trồng thêm lê, Đu đủ, ổi. Những năm đầu “khởi nghiệp”, mô hình trồng cây ăn quả của ông đối diện không ít khó khăn, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong khâu trồng, chăm sóc cây. Do đó, vườn cây phát triển khá còi cọc, năng suất thấp.

Không nản chí, được sự động viên, hỗ trợ của Hội Nông dân và cấp ủy, chính quyền xã Tát Ngà, ông Chím mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, tích cực học tập kinh nghiệm trồng trọt từ anh em, bạn bè, trên sách, báo, mạng internet. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật đúng cách, vườn cây của gia đình ông như được hồi sinh; cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, ông có trên 600 cây ăn quả cho thu nhập ổn định.

Đặc biệt, đến mùa ra hoa, vườn cây ăn quả của ông Chím như một bức tranh thủy mặc giữa núi rừng. Đã có không ít du khách đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh nhưng ông không thu phí. Ông dự kiến thời gian tới sẽ triển khai mô hình dịch vụ homestay gắn với trải nghiệm sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập cho gia đình.

Cũng với suy nghĩ làm dịch vụ homestay kết hợp trải nghiệm, đồng thời hưởng ứng phong trào thi đua cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, mới đây, ông Chím tiếp tục chuyển đổi 3.000 m2 đất vườn kém hiệu quả sang trồng rau an toàn. Với kinh nghiệm đã tích lũy, mô hình trồng rau được ông thực hiện khá thuận lợi, quanh năm xanh tốt với các loại rau màu như: Đậu đỗ, mướp, Su su, cải, Cà chua, Dưa chuột… Chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và không dùng thuốc bảo vệ thực vật, đây là nguyên tắc ông Chím đặt ra khi thực hiện mô hình này.

Để nâng cao hiệu quả lao động, ông Chím đầu tư bể chứa nước đầu nguồn và hệ thống tưới nhỏ giọt, điều này cũng giúp ông khắc phục được tình trạng thiếu nước vào mùa khô. Bên cạnh đó, ông đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, chăm sóc, làm cỏ vườn cây ăn quả và rau màu, qua đó giải phóng đáng kể sức lao động. Đối với đầu ra sản phẩm, ban đầu ông bán ở các chợ trong huyện, về sau, nhiều thương lái đã chủ động tìm đến vườn của gia đình ông để thu mua. Từ xuất bán quả và rau màu, mỗi năm ông Chím thu lãi hơn 120 triệu đồng.

Không chỉ sản xuất giỏi, ông Chím còn là hội viên nông dân tích cực, năng động, nhiệt tình trong công tác Hội; thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt với các hội viên khác, qua đó góp phần lan tỏa phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong hội viên nông dân trên địa bàn, đóng góp tích cực vì sự phát triển chung của địa phương.

Bài, ảnh:  TRẦN KẾ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"3 khó" trong xây dựng Nông thôn mới theo tiêu chí mới
BHG - Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 và 1 năm thực hiện Nghị quyết số 28 của BCH Đảng bộ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 48/175 xã đạt chuẩn NTM, chỉ đạt 27% mục tiêu; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 14,3% mục tiêu; có 37 thôn đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM, đạt 4,6% mục tiêu.
31/07/2023
Vượt khó trong nửa nhiệm kỳ 2020 – 2025
BHG - Trong nửa đầu nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Agribank tỉnh Hà Giang lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ Agribank chi nhánh tỉnh Hà Giang luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, hướng dẫn về nghiệp vụ của ngành cùng với sự đoàn kết thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc Agribank Hà Giang đã vượt khó để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
30/07/2023
An toàn để sản xuất sản xuất phải an toàn
BHG - Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn; bởi nó không chỉ để lại hậu quả trực tiếp với người lao động mà còn mang đến hệ lụy xấu cho gia đình, thậm chí là xã hội. Do đó, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường làm việc, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một trong những giải pháp chiến lược được tỉnh ta đặc biệt quan tâm thực hiện. Bởi đây chính là “chìa khóa” bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động, giúp họ an toàn để sản xuất, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
29/07/2023
Phòng giao dịch Agribank Bắc Vị xuyên đơn giản hóa thủ tục cho vay
BHG - Phòng giao dịch Bắc Vị Xuyên là Phòng giao dịch trực thuộc Agribank Chi nhánh huyện Vị Xuyên hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Agribank chi nhánh huyện Vị Xuyên và Agribank Chi nhánh Hà Giang, có trụ sở tại tổ 17, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang. Hoạt động kinh doanh trên địa bàn: Thành phố Hà Giang, xã Phong Quang, Kim Linh, Kim Thạch, Tùng Bá, Thuận Hòa, Phú Linh, Minh Tân...
28/07/2023