"3 khó" trong xây dựng Nông thôn mới theo tiêu chí mới

15:19, 31/07/2023

BHG - Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 và 1 năm thực hiện Nghị quyết số 28 của BCH Đảng bộ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 48/175 xã đạt chuẩn NTM, chỉ đạt 27% mục tiêu; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 14,3% mục tiêu; có 37 thôn đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM, đạt 4,6% mục tiêu.

Diện mạo thôn Mà Lủng, xã Lũng Táo (Đồng Văn) khi hoàn thành Nông thôn mới.
Diện mạo thôn Mà Lủng, xã Lũng Táo (Đồng Văn) khi hoàn thành Nông thôn mới.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22.2.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 28 xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình đạt chuẩn huyện NTM; thêm 35 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (lũy kế toàn tỉnh có 82 xã đạt chuẩn); thêm 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí, bình quân cả tỉnh đạt trên 16 tiêu chí/xã; có từ 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi được công nhận đạt chuẩn NTM (khoảng 800 thôn)...

Xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh ta đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; 100% các huyện, xã, thôn đã thành lập, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn để lãnh đạo và triển khai xây dựng NTM với sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tổ chức ra quân phát động thi đua xây dựng NTM với trên 1.680 lượt, trên 108 nghìn người tham gia; vận động nhân dân hiến trên 166.000 m2 đất, trên 257.000 ngày công lao động và gần 23 tỷ đồng.

Với phương châm lồng ghép hiệu quả 3 Chương trình MTQG, trong đó lấy Chương trình xây dựng NTM làm trung tâm. HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quyết định về việc phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 cho 52 xã (47 xã đã đạt chuẩn, 5 xã đạt dưới 15 tiêu chí) với tổng kinh phí trên 524 tỷ đồng; trong đó, năm 2022 trên 282 tỷ đồng, năm 2023 trên 138 tỷ đồng. Đồng thời quyết định phân bổ nguồn vốn Chương trình giảm nghèo bền vững để thực hiện xây dựng NTM cho các huyện nghèo 30a và Chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho các huyện, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng cho vay ủy thác qua các hội, đoàn thể giai đoạn 2021 – 2023 trên 21.000 tỷ, dư nợ đến cuối năm 2023 khoảng 13.400 tỷ là động lực lớn cho người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Mô hình nhóm sở thích chăn nuôi lợn địa phương tại thôn Ngàm Sọoc, xã Mậu Duệ (Yên Minh) giúp người dân nâng cao thu nhập.
Mô hình nhóm sở thích chăn nuôi lợn địa phương tại thôn Ngàm Sọoc, xã Mậu Duệ (Yên Minh) giúp người dân nâng cao thu nhập.

Qua 3 năm thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước nâng lên. Đến nay, tỉnh ta có 48 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 123 xã đạt dưới 15 tiêu chí. Có 88 thôn đạt chuẩn NTM (37 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, 51 thôn thuộc vùng I và II). Toàn tỉnh có 57/175 xã đạt tiêu chí Giao thông, 113/175 xã đạt tiêu chí Điện, 148/175 xã đạt tiêu chí Thủy lợi; 136/175 xã đạt tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 73,1% số xã hoàn thành tiêu chí Y tế; 83,4% số xã đạt tiêu chí Thông tin truyền thông; 59% số xã đạt tiêu chí Nhà ở dân cư; 72,6% xã hoàn thành tiêu chí Lao động; 71,4% xã đạt tiêu chí Giáo dục đào tạo...

Tuy nhiên, số xã đạt chuẩn NTM theo mục tiêu Nghị quyết số 28 chỉ đạt 27%; xã đạt chuẩn NTM nâng cao chỉ đạt 14,3% mục tiêu và số thôn đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM chỉ đạt 4,6% mục tiêu. Chưa có xã NTM kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn NTM.

Đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh chia sẻ: Sở dĩ kết quả xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2023 và sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 28 đạt thấp do gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Trong đó có 3 khó khăn lớn nhất là: Nguồn lực đầu tư hạn chế và giữa năm 2022 T.Ư mới phân bổ vốn 3 Chương trình MTQG; các tiêu chí nâng cao chưa phù hợp với đặc thù vùng miền và chỉ tiêu số thôn, xã cần hoàn thành xây dựng NTM lớn.

Theo tính toán, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 trên 8.766 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng NTM cả giai đoạn 2021 – 2025 chỉ trên 500 tỷ đồng. Tỉnh dự kiến lồng ghép vốn 2 Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững và Phát triển KT –XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khoảng 6.026 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh và xã hội hóa trên 2.207 tỷ đồng mới có thể đảm bảo nguồn lực. Tuy nhiên việc lồng ghép vốn của các chương trình MTQG để thực hiện xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn do quy định đối tượng thụ hưởng khác nhau. Trong khi đó sự chỉ đạo, phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thống nhất; các hướng dẫn của bộ, ngành T.Ư chậm.

Ngoài ra, bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 – 2025 gồm 57 chỉ tiêu, tăng 8 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016 – 2020 và yêu cầu chất lượng đạt chuẩn các tiêu chí cao hơn, nhất là 2 tiêu chí Hộ nghèo và Thu nhập. Để xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (gồm cả hộ cận nghèo và hộ nghèo) yêu cầu dưới 13%; tiêu chí thu nhập năm 2022 là 39 triệu đồng/người/năm và năm 2023 là 42 triệu đồng/người/năm. Đây là chỉ tiêu quá cao so với tình hình phát triển của Hà Giang nói riêng và phần lớn các địa phương miền núi biên giới phía Bắc nói chung, dẫn đến một số xã đã đạt chuẩn của giai đoạn trước hiện cũng không đạt được 2 tiêu chí này.

Mặt khác đa phần các xã, thôn đã đạt chuẩn NTM của tỉnh là những xã có điều kiện KT – XH khá, mục tiêu hoàn thành thêm 35 xã, 800 thôn đạt chuẩn NTM theo Nghị quyết số 28 là rất khó khăn do các xã còn lại và các thôn đều là vùng 3 – đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập thấp, hạ tầng thiếu thốn, cần nguồn lực đầu tư nhiều và trong ngắn hạn khó có thể đạt các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo một cách bền vững.

Tháo gỡ những khó khăn trên, trước hết T.Ư cần hướng dẫn các địa phương lồng ghép nguồn vốn 3 Chương trình MTQG phù hợp với điều kiện thực tiễn từng vùng; việc đề xuất mục tiêu và giao kế hoạch thực hiện của giai đoạn phải phù hợp với nguồn lực bố trí cho từng vùng; với các địa phương đặc biệt khó khăn T.Ư nên ưu tiên bố trí phần lớn ngân sách hỗ trợ… Ngoài ra, các bộ, ngành T.Ư cần nghiên cứu và đưa ra bộ tiêu chí NTM phù hợp với điều kiện KT – XH và định hướng sự phát triển của từng vùng, từng khu vực.

Bài, ảnh: Lương Hà


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vượt khó trong nửa nhiệm kỳ 2020 – 2025
BHG - Trong nửa đầu nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Agribank tỉnh Hà Giang lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ Agribank chi nhánh tỉnh Hà Giang luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, hướng dẫn về nghiệp vụ của ngành cùng với sự đoàn kết thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc Agribank Hà Giang đã vượt khó để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
30/07/2023
An toàn để sản xuất sản xuất phải an toàn
BHG - Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn; bởi nó không chỉ để lại hậu quả trực tiếp với người lao động mà còn mang đến hệ lụy xấu cho gia đình, thậm chí là xã hội. Do đó, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường làm việc, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một trong những giải pháp chiến lược được tỉnh ta đặc biệt quan tâm thực hiện. Bởi đây chính là “chìa khóa” bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động, giúp họ an toàn để sản xuất, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
29/07/2023
Phòng giao dịch Agribank Bắc Vị xuyên đơn giản hóa thủ tục cho vay
BHG - Phòng giao dịch Bắc Vị Xuyên là Phòng giao dịch trực thuộc Agribank Chi nhánh huyện Vị Xuyên hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Agribank chi nhánh huyện Vị Xuyên và Agribank Chi nhánh Hà Giang, có trụ sở tại tổ 17, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang. Hoạt động kinh doanh trên địa bàn: Thành phố Hà Giang, xã Phong Quang, Kim Linh, Kim Thạch, Tùng Bá, Thuận Hòa, Phú Linh, Minh Tân...
28/07/2023
Phát triển kinh tế tập thể theo chiều sâu
BHG - Thông qua những quyết sách mạnh mẽ về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), tỉnh ta đã, đang tập trung đưa KTTT, nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đi vào chiều sâu trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc và giá trị HTX theo Luật HTX năm 2012. Cũng từ đây, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX từng bước được khẳng định, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hộ, xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
27/07/2023