Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần thúc đẩy người dân bảo vệ rừng
BHG - Thời gian qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã phát huy hiệu quả tích cực trên địa bàn tỉnh. Từ đó khuyến khích người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trực tiếp tham gia bảo vệ rừng.
Tuyên truyền cho người dân về công tác phát triển và bảo vệ rừng qua hội thi tại huyện Bắc Quang |
Toàn tỉnh Hà Giang có hơn 400.000 ha rừng. Phần lớn diện tích rừng được giao cho các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp, cộng đồng dân cư, UBND các xã, thị trấn... quản lý, bảo vệ. Ngoài nguồn kinh phí khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng thì tiền DVMTR được xem là “chìa khóa” hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Xã Liên Hiệp, huyện Bắc Quang hiện đang bảo vệ 2 nghìn ha rừng với số tiền DVMTR hơn 160 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp, bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ: "Từ khi giao cho cộng đồng thôn, bản quản lý các diện tích rừng đầu nguồn, người dân trong thôn đều ý thức giữ rừng và có trách nhiệm hơn trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Số tiền DVMTR đã góp phần giúp người dân trong xã sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa, đổ bê tông đường giao thông, lắp đặt đèn đường nông thôn, bà con trong xã ai cũng phấn khởi".
Tại huyện Quang Bình, nhờ triển khai thực hiện tốt chính sách DVMTR đã từng bước nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn, góp phần giữ những cánh rừng thêm xanh. Hiện nay, huyện có 48.471 ha rừng được chi trả DVMTR với hơn 8 tỷ đồng/năm. Nguồn dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao đời sống người dân làm nghề rừng, giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, điều tiết và duy trì nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.
Đánh giá về hiệu quả mang lại từ nguồn tiền DVMTR, bà Đinh Thị Hà – Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hà Giang chia sẻ: "Chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến đời sống của hàng nghìn người làm nghề rừng, đặc biệt là cộng đồng dân cư, người dân sống trong rừng, gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Việc gắn trách nhiệm song song với quyền lợi được thực hiện công khai, minh bạch đã tạo động lực cho người dân quan tâm bảo vệ rừng như chính ngôi nhà của mình".
Đến hết tháng 3.2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hà Giang đã thu phí DVMTR được 160,19 tỷ đồng, trong đó, tiền trồng rừng thay thế hơn 3,9 tỷ đồng. Từ nguồn DVMTR tiếp tục hỗ trợ công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, làm giàu từ rừng cho cộng đồng dân cư và người dân sống gần rừng.
Có thể khẳng định, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, các cấp ngành và đơn vị, địa phương có liên quan, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã nỗ lực triển khai tốt các nhiệm vụ thu, chi trả tiền DVMTR đúng đối tượng, kịp thời, để các chủ rừng, người dân trên địa bàn tỉnh có thêm nguồn lực, góp phần thúc đẩy người dân bảo vệ rừng.
Bài, ảnh: Mai Ánh
Ý kiến bạn đọc